Các trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) đều đóng trên địa bàn các xã miền núi, thuộc vùng đặc biệt khó khăn của các huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Thuận Nam. Trong đó, Bác Ái là địa phương có nhiều trường nhất với 3 trường TH và 6 trường THCS. Ngoài ra, có 5 trường tuy không có quyết định chính thức chuyển đổi sang trường bán trú nhưng vẫn có học sinh thuộc diện ở bán trú. Theo đồng chí Trần Thùy Vân, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Bác Ái, mô hình bán trú đã đem lại nhiều kết quả đáng ghi nhận, mà điển hình nhất là góp phần giảm hẳn tình trạng học sinh bỏ học và bỏ học cách nhật, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên tập trung vào công tác giảng dạy và tổ chức các hoạt động ngoại khóa để nâng cao chất lượng giáo dục.
Học sinh Trường PTDTBT TH Phước Đại A, huyện Bác Ái
tìm hiểu kiến thức lịch sử qua hình ảnh.
Đến thăm Trường PTDTBT TH Phước Đại A, khi trực tiếp tham quan khuôn viên của trường với những “vườn rau nội trú”, “hồ nước điều hòa”, “góc họa sỹ nhí”… và dự giờ một số tiết học của các lớp, chúng tôi mới thật sự cảm nhận được sự thay đổi tích cực của mô hình trường bán trú đem lại. Thay vì vẻ rụt rè, nhút nhát thường gặp của học sinh dân tộc thiểu số, học sinh ở đây rất sôi nổi, hăng say phát biểu bài trong các tiết học. Với nhiều hoạt động được tổ chức thường xuyên nhằm giáo dục kỹ năng cho học sinh như: ngày hội trò chơi dân gian, mỗi tuần 1 địa chỉ, góp giấy vụn gây quỹ… nhà trường không chỉ dạy kiến thức mà còn từng bước giúp các em tự tin, năng động và hiểu hơn về giá trị sống. Bước vào năm thứ 3 thực hiện mô hình trường bán trú, trường đã không còn tình trạng học sinh bỏ học, tỷ lệ học sinh yếu kém cũng giảm gần 10% so với năm học 2009-2010 (khi chưa thực hiện bán trú).
Không riêng Trường PTDTBT TH Phước Đại A, đây cũng là những hiệu quả chung mà chúng tôi ghi nhận được khi đến thăm các trường PTDTBT THCS Nguyễn Văn Linh (xã Phước Tân), TH Phước Bình B (xã Phước Bình), huyện Bác Ái hay các trường PTDTBT THCS Phan Đình Phùng (xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn)… Việc tổ chức tốt hoạt động bán trú cũng góp phần giúp các trường từng bước thay đổi nhận thức, tạo niềm tin cho các bậc phụ huynh. Từ chỗ chỉ biết lao động kiếm sống, ít quan tâm đến việc học của con em mình, thì nay nhiều gia đình đã tích cực cùng giáo viên tham gia vào các hoạt động giáo dục, đóng góp công sức cùng thầy cô xây dựng cơ sở vật chất, các công trình phục vụ nhu cầu học tập, vui chơi, sinh hoạt của con em mình. Nhiều mô hình nhà sàn, công trình vui chơi, thư viện ngoài trời, vườn rau nội trú… đã ra đời từ sự đoàn kết, nhất trí cao của các bậc phụ huynh đã góp phần quan trọng giúp nhà trường tạo dựng môi trường giáo dục thân thiện.
Hiệu quả đem lại rất lớn nhưng các trường PTDTBT hiện nay cũng đang gặp phải rất nhiều khó khăn, nhất là cơ sở vật chất và nguồn nhân lực. Đa số các trường PTDTBT hiện nay đều chưa được trang bị đầy đủ thiết bị và cơ sở vật theo quy định tại Thông tư số 24/2010/TT-BGDĐT, ngày 2-8-2010 của Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường PTDTBT. Cụ thể, là vẫn thiếu nhà ở, giường nằm, nhà tắm và các công trình vệ sinh, nước sạch... Nhà bếp, nhà ăn đa số đều đang phải tận dụng từ các phòng học cũ hoặc tự dựng lên tạm bợ. Các công trình phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cho học sinh bán trú cũng là do thầy cô tự bỏ tiền mua sắm, thiết kế nên. Thông tư 24 cũng quy định: “Ngoài định mức biên chế sự nghiệp giáo dục ở các trường chuyên biệt công lập, trường PTDTBT được hợp đồng thêm nhân viên làm nhiệm vụ nuôi dưỡng, bảo vệ theo hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế đối với đơn vị sự nghiệp công lập”. Nhưng do thiếu kinh phí nên hiện nay một số trường vẫn phải huy động giáo viên kiêm luôn nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc học sinh.
Để nâng cao chất lượng giáo dục và hiệu quả hoạt động, các trường PTDTBT cần được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất đồng bộ, đầy đủ hơn. Các chế độ, chính sách được thực hiện đúng, đủ, kịp thời cũng là động lực để cán bộ, giáo viên các trường yên tâm công tác, có thêm những động lực vượt qua những khó khăn và hoàn thành sứ mệnh “trồng người” ở những vùng đặc biệt khó khăn này.
Bích Thủy