Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, Luật tổ chức Quốc hội (QH) vừa được QH thông qua vào tháng 11/2014, nhiều quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, về tổ chức của các cơ quan của QH, của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và ĐBQH đang có trong các nội quy, quy chế nói trên đã được bổ sung vào Luật.
Trong thời gian tới, QH khóa XIII sẽ tiếp tục thông qua nhiều đạo luật quan trọng liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của QH, các cơ quan của QH và ĐBQH. Những đạo luật này dự kiến sẽ quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của QH, UBTVQH, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, ĐBQH và Đoàn ĐBQH trong các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Vì vậy, nhiều nội dung hiện đang được quy định trong Nội quy kỳ họp QH, Quy chế hoạt động của UBTVQH, Quy chế hoạt động của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Quy chế hoạt động của ĐBQH và Đoàn ĐBQH cũng như một số nghị quyết của UBTVQH quy định về các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của QH, các cơ quan của QH, ĐBQH sẽ không còn phù hợp, đòi hỏi phải được tổng kết, rà soát để báo cáo, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản thay thế.
Do đó, việc xây dựng Đề án tổng kết, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật liên quan đến tổ chức, hoạt động của QH, các cơ quan của QH, ĐBQH và Đoàn ĐBQH là cần thiết.
Đề án sẽ giải quyết được các vấn đề như: Tổng kết việc thi hành các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động của QH, các cơ quan của QH, ĐBQH và Đoàn ĐBQH; Luật hóa các quy định trong nội quy, quy chế, nghị quyết, trong hoạt động xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết, trong hoạt động giám sát, trong hoạt động quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, trong việc bảo đảm các điều kiện cho hoạt động của đại biểu QH và Đoàn ĐBQH và kiến nghị các văn bản cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, ban hành mới.
Để thực hiện được mục tiêu và các nhiệm vụ nêu trên, Thường trực Ủy ban pháp luật đề nghị thành lập Ban chỉ đạo tổng kết, rà soát các văn bản pháp luật do QH, UBTVQH ban hành quy định về hoạt động của QH, các cơ quan của QH, ĐBQH và Đoàn ĐBQH để chỉ đạo việc tổng kết, rà soát và kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản thay thế, bảo đảm hiệu lực thi hành của Luật tổ chức QH và các đạo luật có liên quan.
Nhất trí với đề nghị của Ủy ban Pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, cần phải có Ban chỉ đạo (BCĐ). Việc thành lập BCĐ là cần thiết bởi kỳ họp Quốc hội sẽ tiếp tục thông qua nhiều đạo luật quan trọng, liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của QH. “Nếu không có BCĐ, việc thực hiện, rà soát các hoạt động trong kỳ họp sẽ khó mà bao quát hết được”, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh.
Cùng quan điểm trên, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội Ksor Phước cũng đề nghị phải nâng cao vai trò hoạt động của ĐBQH và các Đoàn ĐBQH trong Đề án này. Bởi ĐBQH và Đoàn ĐBQH đều là những người phải tham gia đánh giá, đề xuất các ý kiến về nội dung của kỳ họp QH.
Về tiến độ thực hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cũng cho biết, cuối tháng 01/2015 quyết định thành lập BCĐ, Tổ giúp việc Đề án. BCĐ xây dựng đề cương, kế hoạch, phân công công tác. Tháng 4/2015 sẽ trình UBTVQH dự thảo Đề án tổng kết, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động của QH, các cơ quan của QH, ĐBQH và Đoàn ĐBQH.
Cũng trong chiều 19/1, UBTVQH cho ý kiến về các vấn đề lớn của Dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam