Cùng dự Hội nghị có các đồng chí: Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh; Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng; Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình; lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Nhiều vụ án lớn, nghiêm trọng được các Tòa án khẩn trương đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh
Theo báo cáo của TAND tối cao, từ ngày 01/10/2013 đến 30/9/2014, các Tòa án đã giải quyết 385.356 vụ án các loại trong tổng số 415.038 vụ án đã thụ lý (đạt tỷ lệ 92,8%). So với cùng kỳ năm trước, số vụ án đã thụ lý tăng 19.623 vụ; đã giải quyết tăng 20.537 vụ; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Tòa án là 1,61% (giảm 0,1%). TAND tối cao và các TAND cấp tỉnh đã giải quyết 7.161 đơn/vụ đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm trong tổng số 11.926 đơn/vụ phải giải quyết, bằng 60.05%.
Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2015. (Ảnh: dangcongsan.vn)
Qua số liệu thống kê cho thấy, công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án trong năm qua đều vượt chỉ tiêu xét xử đề ra, nhiều Tòa án có tỷ lệ giải quyết các vụ án đạt cao. Hầu hết các vụ án đều được giải quyết trong thời hạn pháp luật quy định. Trong công tác xét xử các vụ án hình sự, cơ bản đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không có trường hợp nào kết án oan người không có tội.
Trong năm qua, nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng hoặc các vụ án được dư luận xã hội quan tâm, đặc biệt là các vụ án về tham nhũng đã được các Tòa án khẩn trương nghiên cứu hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, đáp ứng yêu cầu chính trị của địa phương cũng như cả nước. Điển hình là vụ án Vũ Việt Hùng, nguyên Giám đốc Ngân hàng phát triển Việt Nam chi nhánh khu vực Đăk Lắk - Đắk Nông cùng các đồng phạm phạm tội “Nhận hối lộ” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; vụ án Huỳnh Thị Huyền Như; vụ án Nguyễn Thanh Huyền và vụ án Dương Chí Dũng cùng các đồng phạm phạm tội “Tham ô tài sản”; vụ án Nguyễn Đức Kiên; vụ án Nguyễn Hùng Dũng cùng các đồng phạm phạm tội “Tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma tuý” ở Quảng Ninh...
Cùng với đó, các Tòa án đã nghiêm túc triển khai việc thi hành Hiến pháp năm 2013; thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp mà Nghị quyết 49-NQ/TW đề ra, tập trung vào việc nâng cao chất lượng giải quyết xét xử các loại vụ án, chú trọng làm tốt việc tranh tụng tại phiên toà; xét xử nghiêm minh các vụ án về tham nhũng, làm tốt công tác hoà giải trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự; tích cực tham gia vào việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về hình sự, dân sự và thủ tục tố tụng tư pháp; nghiên cứu, hoàn thiện cơ cấu tổ chức Toà án các cấp…
Phó Chánh án Thường trực TAND tối cao Bùi Ngọc Hòa cho biết: Trong năm 2015, ngành Tòa án xác định tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Hiến pháp năm 2013 và các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác tư pháp và cải cách tư pháp, gắn với nhiệm vụ của Ngành. Ngành đẩy mạnh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án, những quyết định của Tòa án đúng pháp luật, đảm bảo công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tranh tụng tại phiên tòa, làm tốt công tác hòa giải, đối thoại trong giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính; khắc phục triệt để các vụ án quá thời hạn xét xử do lỗi chủ quan của Tòa án; phấn đấu không để xảy ra việc xét xử oan sai, bỏ lọt tội phạm. Ngành tiếp tục đổi mới thủ tục hành chính – tư pháp, đảm bảo công khai, minh bạch các hoạt động của Tòa án, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi giải quyết công việc tại Tòa án...
Không được để xảy ra án oan và bỏ lọt tội phạm
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ghi nhận và biểu dương những nỗ lực, cố gắng của TAND các cấp đạt được những thành tích, kết quả quan trọng trong năm qua.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. (Ảnh: dangcongsan.vn)
Tuy nhiên, Chủ tịch nước cũng thẳng thắn chỉ ra vẫn còn một số chỉ tiêu công tác chưa đạt yêu cầu các Nghị quyết của Quốc hội đề ra; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan vẫn còn nhiều, chưa khắc phục triệt để án quá hạn luật định do lỗi chủ quan của Thẩm phán; vẫn còn một số bản án quyết định không rõ ràng, gây khó khăn cho việc thực hiện. Một số cán bộ, công chức, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp, trình độ năng lực còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, có trường hợp bị xử lý kỷ luật. Việc thực hiện một số nhiệm vụ cải cách tư pháp còn chậm so với yêu cầu… “Những hạn chế này ảnh hưởng tới chất lượng công tác của ngành Tòa án”, Chủ tịch nước nói. Trên cơ sở đó, Chủ tịch nước đề nghị: Hội nghị tập trung thảo luận, phân tích làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan để nghiêm túc rút kinh nghiệm và sớm đề ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Nhấn mạnh năm 2015 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng, phấn đấu thực hiện đạt mức cao nhất các chỉ tiêu mà Đại hội, các Nghị quyết Trung ương đề ra, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang yêu cầu: Tòa án các cấp cần tiếp tục triển khai thực hiện tốt Hiến pháp 2013, Luật tổ chức TAND sửa đổi và các Nghị quyết của Quốc hội, trong đó tập trung thực hiện 4 giải pháp đột phá đã đề ra là: Tiếp tục đổi mới thủ tục tranh tụng tại phiên tòa xét xử theo hướng thực chất, đảm bảo dân chủ, công khai, đúng quy định của pháp luật; Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức; Làm tốt công tác tổng kết thực tiễn xét xử và đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật; Đẩy mạnh việc đổi mới thủ tục hành chính tư pháp trong hoạt động của TAND các cấp.
Chủ tịch nước lưu ý: Trong quá trình xét xử, yêu cầu cao nhất là bảo đảm ra bản án, ra quyết định đúng pháp luật, mang lại công lý cho mọi người, không được để xảy ra án oan và bỏ lọt tội phạm. Khi tiến hành xét xử, TAND các cấp cần quán triệt sâu sắc 3 nguyên tắc quan trọng đã được Hiến định, là: Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; tranh tụng trong xét xử được bảo đảm và quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm.
Các cấp ủy, tổ chức Đảng trong TAND các cấp cần phải tập trung quán triệt và triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 30/5/2014 của Bộ Chính trị, tổ chức thành công Đại hội Đảng trong hệ thống TAND, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư pháp nói chung và công tác xét xử nói riêng. Cùng với đó, Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo TAND tối cao cần tiếp tục rà soát, thực hiện tốt các nhiệm vụ, công việc thuộc trách nhiệm của mình, tập trung vào việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, nhất là đối với các Bộ luật về tư pháp và tố tụng tư pháp, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, có chất lượng cao, thể chế hóa đầy đủ các quy định của Hiến pháp và quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp và thực hiện quyền tư pháp; triển khai các biện pháp nhằm thi hành Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) hiệu quả, theo đúng quy định của Luật.
Tăng cường và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất cho TAND các cấp, nhất là tòa án cấp huyện; bảo đảm đủ số lượng Thẩm phán, các chức danh tư pháp và công chức khác của Tòa án nhân dân các cấp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; sớm thành lập và đưa Học viện Tòa án vào hoạt động; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giảng dạy có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, tâm huyết…
Để tiếp tục xây dựng hệ thống TAND theo tinh thần của cải cách tư pháp, Chủ tịch nước yêu cầu TAND tối cao cần sớm hoàn thành một số đề án liên quan đến quy hoạch trụ sở làm việc TAND các cấp; đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho ngành TAND, chế độ tiền lương, phụ cấp đặc thù đối với các chức danh tư pháp và đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý TAND các cấp, trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, nhằm tạo nên sự thay đổi căn bản và đồng bộ trong toàn hệ thống TAND, góp phần vào việc xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; củng cố, tăng cường lòng tin của nhân dân đối với cơ quan xét xử.
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao Huân chương lao động Hạng Nhất cho 2 đồng chí: Nguyên Phó Chánh án TAND tối cao Tưởng Duy Lượng và Phó Chánh án Thường trực TAND tối cao Bùi Ngọc Hòa.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh trao Cờ Thi đua của Chính phủ cho các đơn vị, tập thể Tòa án có thành tích xuất sắc./.
Thực hiện Nghị quyết số 69/2013/QH13 ngày 29/11/2013 về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, TAND tối cao đã tham gia tổ công tác liên ngành VKSDND tối cao, TAND tối cao, Bộ Công an xem xét một số vụ án có đơn kêu oan gửi các cơ quan trung ương; thụ lý xem xét 102 trường hợp có đơn kêu oan được xét xử trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII có mức phạt tù từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình, đảm bảo việc xét xử phải đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội; đồng thời, không bỏ lọt tội phạm. Trong số 102 trường hợp nêu trên, đã xem xét, giải quyết 55 trường hợp. Thông qua kết quả giải quyết cho thấy về cơ bản, việc xét xử của Tòa án là đúng pháp luật.Tuy nhiên cũng đã kháng nghị để giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm 03 trường hợp do có vi phạm thủ tục tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án.
Đối với các vụ án về kinh tế, tham nhũng, các Tòa án đều đảm bảo xét xử nghiêm khắc, tỷ lệ các bị cáo phạm tội tham nhũng được Tòa án cho hưởng án treo chiếm tỷ lệ 18,8%, giảm hơn 8,2% so với năm 2013, chỉ có 01 trong số 129 trường hợp cho hưởng án treo đối với các bị cáo phạm tội tham nhũng bị sửa án do áp dụng không đúng quy định của pháp luật.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam