Khai mạc phiên họp thứ 34 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Sáng 19/1, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 34. Đây là phiên họp dành phần lớn thời lượng cho công tác lập pháp, cho ý kiến về nhiều dự án luật quan trọng.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, phiên họp này kéo dài từ ngày 19 - 21/1 sẽ dành phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sẽ cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của các dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi); Luật Thú y (sửa đổi); Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật An toàn, vệ sinh lao động. Ủy ban Thường vụ cũng cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật bảo đảm thi hành Luật Tổ chức Quốc hội.

 

Khai mạc phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: TTXVN)

Trong ngày làm việc cuối cùng của phiên họp, UBTVQH cho ý kiến về việc chuẩn bị Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) tại Hà Nội vào tháng 3/2015; việc điều chỉnh địa bàn kiêm nhiệm của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam…

Sau khai mạc phiên họp, UBTVQH cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi). Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn có ý kiến khác nhau về độ tuổi gọi nhập ngũ. Dự thảo Luật quy định: công dân nam đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ và độ tuổi gọi nhập ngũ trong thời bình là từ 18 đến 25 tuổi.

Báo cáo một số vấn đề lớn xin ý kiến về dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh Nguyễn Kim Khoa trình bày cho thấy, hiện vẫn còn có 3 loại ý kiến khác nhau về độ tuổi gọi nhập ngũ (Điều 32). Loại ý kiến thứ nhất đề nghị không quy định độ tuổi cao nhất gọi nhập ngũ để có nhiều công dân được gọi vào phục vụ trong quân đội. Loại ý kiến thứ hai nhất trí như dự thảo Luật. Loại ý kiến thứ ba đề nghị quy định độ tuổi gọi nhập ngũ thống nhất từ 18 đến 25 mà không quy định kéo dài độ tuổi gọi nhập ngũ đến 27 tuổi đối với công dân đã học chương trình đào tạo bậc đại học được tạm hoãn.

Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh cho rằng, việc không quy định độ tuổi cao nhất gọi nhập ngũ trong thời bình để gọi được nhiều công dân phục vụ tại ngũ là không phù hợp với thực tế, vì hàng năm số lượng công dân gọi nhập ngũ không nhiều; hơn nữa cần quy định độ tuổi gọi nhập ngũ phù hợp với thời hạn phục vụ tại ngũ nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng cơ cấu tổ chức giữa lực lượng thường trực và lực lượng dự bị động viên phù hợp, có chất lượng cao; kết hợp chặt chẽ việc bảo đảm nguồn nhân lực cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Việc quy định độ tuổi gọi nhập ngũ của công dân phải bảo đảm mọi người đều bình đẳng trước pháp luật theo quy định của Hiến pháp. Do đó, việc quy định hai loại độ tuổi gọi nhập ngũ như dự thảo Luật là không phù hợp. Theo đó, việc kéo dài độ tuổi gọi nhập ngũ cho đối tượng tạm hoãn là sinh viên đang học chương trình đào tạo đại học để gọi vào phục vụ tại ngũ sau khi tốt nghiệp vừa khó khả thi, vừa không bảo đảm công bằng xã hội trong đối tượng này. Thực tiễn vừa qua cho thấy, những vướng mắc, bất cập trong khâu tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ đối với sinh viên tốt nghiệp đào tạo bậc đại học không phải do hạn chế của quy định về độ tuổi mà do khâu tổ chức thực hiện chưa tốt.

Từ những vấn đề trên, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh tán thành với loại ý kiến thứ ba, đề nghị quy định độ tuổi gọi nhập ngũ của công dân thống nhất là từ 18 đến 25 tuổi như Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành.

Liên quan đến quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ (Điều 41), Chủ nhiệm Nguyễn Kim Khoa cho biết, đối với quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ cho sinh viên đang học chương trình đào tạo đại học thuộc hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân, hiện cũng có ba loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất nhất trí như dự thảo Luật Chính phủ trình. Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ cho sinh viên, học viên đang học tại cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong hệ thống giáo dục quốc dân như quy định của Luật hiện hành. Loại ý kiến thứ ba đề nghị không quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với sinh viên, học viên.

Thảo luận về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi góp ý, đối với sinh viên đang học hệ chính quy không nên gọi nhập ngũ, bởi như vậy là xem nhẹ hiệu quả đào tạo, chỉ coi trọng quân sự chứ không coi trọng những lĩnh vực khác.

Theo ông Đào Trọng Thi, gọi nghĩa vụ quân sự mà không nói thời gian về tuổi là khó vì tốt nghiệp THPT là 18 tuổi, học đại học 4 năm nhưng có thể lưu ban, ốm đau, cố tình vượt tuổi. "Chúng ta chỉ tính cơ học, còn thực tế có thể có trường hợp cố kéo dài thời gian học để vượt tuổi gọi nhập ngũ, nên cần tính toán cho kỹ" - ông Thi nói.

Ông Đào Trọng Thi đề xuất, việc lựa chọn học đại học trước rồi mới đi nghĩa vụ quân sự nên để thanh niên tự quyết. Các em học xong mới gọi nghĩa vụ quân sự là đúng với mục tiêu đáp ứng nhân lực có trình độ kỹ thuật cao. Vì vậy cần kéo dài độ tuổi gọi nhập ngũ đến 27 thay vì 25 tuổi như hiện nay để các em có cơ hội thực hiện nghĩa vụ với đất nước.

Đồng tình với quan điểm trên, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước cho rằng, thanh niên đang học đại học thì không nên gọi đi nghĩa vụ quân sự vì việc học phải liên tục. Nếu đi nghĩa vụ quân sự 2 năm, khi về học sẽ quên mất kiến thức. "Thời chiến thì khác, còn thời bình thì không nên gọi sinh viên đi nghĩa vụ, chúng ta có thể gọi các em sau khi đã học xong", ông Ksor Phước góp ý.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị kéo dài độ tuổi gọi nhập ngũ đến 27 tuổi để sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học có cơ hội tham gia quân đội để rèn luyện và cống hiến. Tuy nhiên, ông Nguyễn Kim Khoa, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh cho rằng phân tích: Hiện nay, sinh viên tốt nghiệp gọi nhập ngũ chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ khoảng 5% và vẫn chưa sử dụng hiệu quả vì ngành học không phù hợp với quân đội. Do đó, nếu kéo dài độ tuổi gọi nhập ngũ đến 27 và gọi 100% số này đi nghĩa vụ thì mới có tác dụng hiện đại hoá quân đội. Tuy nhiên, thực tế quân đội mới gọi vài trăm người, nên lại gây bất cập ngay trong tuổi 27.

Tiếp thu các ý kiến, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh chia sẻ, tâm tư của Đại biểu Quốc hội là muốn gọi hết công dân trong độ tuổi vào quân đội để được rèn luyện, nhưng rất khó. Bởi mỗi năm có 7-8 triệu người trong độ tuổi gọi nhập ngũ, nhưng thực tế mỗi năm quân đội chỉ tuyển một phần nhỏ.

Các đại biểu đề nghị sinh viên tự đảm bảo kinh phí để tự học quân sự tập trung trong 3 tháng và được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự trong thời bình, nhưng Bộ trưởng Quốc phòng cho rằng, điều này là không nên vì sinh viên rất đông, cả nước lại chỉ có 32 trung tâm quốc phòng an ninh. Số lượng trung tâm này chỉ đảm bảo đào tạo vài trăm nghìn người, nếu đưa hàng triệu sinh viên vào học thì không khả thi. Hơn nữa sẽ không công bằng giữa người có tiền và không có tiền, chất lượng đào tạo cũng hạn chế.

"Về độ tuổi tạm hoãn nghĩa vụ, Chính phủ trình dự thảo sinh viên đang học chính quy thì được tạm hoãn, sau này kết thúc thì gọi đi nghĩa vụ quân sự sau. Nhưng có đại biểu lại cho ý kiến không hoãn. Qua tiếp thu và thảo luận, ban soạn thảo vẫn đề nghị hoãn gọi đối tượng này vì nếu như cứ gọi thì tư tưởng sinh viên không yên tâm, không biết sẽ bị gọi khi nào, và sẽ tạo ra kẽ hở trong quá trình tuyển quân. Số gọi thì rất ít nhưng quy định treo thì không nên. Tuổi gọi có thể kéo dài cho đối tượng tạm hoãn này" - Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho hay.

Kết thúc thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn tổng hợp các ý kiến đại biểu, theo đó đồng ý tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với sinh viên đang học hệ đại học chính quy và kéo dài độ tuổi gọi nhập ngũ đối với đối tượng này lên 27. Còn thanh niên bình thường vẫn duy trì độ tuổi gọi nhập ngũ như trước, tức là từ 18 đến 25 tuổi.

Cũng trong sáng 19/1, UBTVQH đã cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thú y (sửa đổi).

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam