Dự án gồm 3 hợp phần chính: Phát triển khung thể chế và thiết lập hệ thống an toàn chất lượng sản phẩm; Đầu tư cơ sở hạ tầng và trang, thiết bị hỗ trợ cho sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng; Phát triển chương trình khí sinh học. Trong các hợp phần trên, hợp phần 2 được đầu tư cao nhất vào tỉnh ta, chia làm 3 tiểu hợp phần: Quy hoạch vùng sản xuất nho an toàn; Xây dựng mô hình SAZ (hỗ trợ kết cấu hạ tầng vùng trồng nho); Chứng nhận sản phẩm nho an toàn, đào tạo tập huấn về VietGAP, hỗ trợ thay thế giống kháng sâu bệnh.
Nông dân phường Văn Hải, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm trồng nho sạch.
Sau 4 năm dự án đi vào hoạt động, đã hình thành được 3 vùng trồng nho an toàn ở xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn), phường Văn Hải (Tp.Phan Rang - Tháp Chàm) và thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải). So sánh với các vùng trồng nho thông thường, khu vực sản xuất nho an toàn quy củ hơn rất nhiều. Cụ thể, các hộ liên kết lại thành tổ, nhóm sản xuất tập trung trên quy mô lớn. Hệ thống đường, điện, nước phục vụ sản xuất, nhà sơ chế sản phẩm được đầu tư xây dựng đồng bộ, với tổng kinh phí lên tới hàng chục tỷ đồng.
Riêng hợp phần Chứng nhận sản phẩm nho an toàn, được triển khai vào năm 2012; trong đó, chú trọng hỗ trợ đào tạo và hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình VietGAP. Để được cấp chứng nhận, Ban Quản lý dự án đã tích cực triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động nông dân tham gia các nhóm liên kết sản xuất; hỗ trợ tổ chức nhiều lớp tập huấn sản xuất nho theo tiêu chuẩn VietGAP, như: hướng dẫn quy trình kỹ thuật, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, sử dụng giống nho mới... Qua đó, dự án đã thu hút được 31 nhóm liên kết, với 289 hộ, sản xuất 74,7 ha nho theo VietGAP. Kết quả đánh giá của Công ty CP chứng nhận Globalcert vào tháng 8-2014, có 66,36 ha nho của 28 nhóm liên kết (260 hộ) đủ tiêu chuẩn được cấp Chứng nhận sản xuất nho VietGAP.
Nhìn lại 4 năm hoạt động, dự án đã đạt được mục tiêu đề ra, đó là tạo sự tăng trưởng bền vững cho ngành sản xuất nho; tăng thu nhập và tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động. Người tiêu dùng tin tưởng với sản phẩm nho đạt tiêu chuẩn nên sức tiêu thụ và giá cả được nâng lên so với nho sản xuất thông thường. Anh Hà Lê Hùng, Nhóm trưởng nhóm liên kết sản xuất nho VietGAP Rừng Liêm (xã Nhơn Sơn) cho biết: Nhóm của chúng tôi gồm có 11 hộ, sản xuất 1,87 ha, mỗi năm cung cấp cho thị trường gần 60 tấn nho sạch. Ưu điểm của sản xuất theo quy trình VietGAP là tiết kiệm được 10% chi phí đầu tư, năng suất cũng tăng lên 10% so với sản xuất truyền thống. Đặc biệt, sản phẩm nho sạch thương lái thích mua, giá cao hơn nho thường bán ngoài thị trường 2.000 đồng/kg tại thời điểm.
Đồng chí Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Ban Quản lý dự án cho biết: Hiện nay, dự án đang triển khai hỗ trợ nông dân tiếp tục sản xuất thêm 100 ha nho sạch, từ đó nhân rộng ra trên quy mô lớn vào những năm tới. Hạn chế của sản xuất nho ở tỉnh ta là quy mô nhỏ lẻ, mỗi hộ chỉ trồng từ 1 đến 2 sào, vì thế chỉ có phát triển trồng nho sạch mới liên kết được nông dân “dồn đất” sản xuất tập trung, tạo sản phẩm chất lượng cao với khối lượng lớn, đảm bảo cung cấp nguồn hàng thường xuyên cho các doanh nghiệp. Để hướng đến sản xuất bền vững, Ban Quản lý dự án đang xúc tiến hỗ trợ nông dân liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, trước mắt là hỗ trợ khâu thu hoạch, sơ chế, duy trì Chứng nhận để đưa thương hiệu nho Ninh Thuận vươn ra thị trường trong và ngoài nước.
Anh Tùng