Năm học 2013-2014, toàn tỉnh có trên 35.000 học sinh (HS) cấp THCS và gần 16.000 HS cấp THPT. Kết quả đánh giá hạnh kiểm cuối năm học cho thấy, 7,5% HS cấp THCS xếp loại trung bình và yếu, tỷ lệ này ở cấp THPT là 9,6%.
Do đặc thù lứa tuổi mới lớn, sự thay đổi tâm sinh lý của các em HS cấp THCS và THPT diễn ra phức tạp, biểu hiện bằng nhiều hành vi, thái độ ứng xử khác nhau. Các em bắt đầu có ý thức về cái tôi cá nhân, luôn muốn tự lập và tự quyết trong cuộc sống. Mặt khác, ở giai đoạn này, thanh thiếu- niên rất nhạy cảm, dễ bị tác động bởi môi trường sống xung quanh, hoặc mặc cảm về hoàn cảnh gia đình, điều kiện sống,… Từ những yếu tố tâm lý trên, một số em tự tách mình ra khỏi môi trường sinh hoạt của lớp, chán học, không chấp hành nội quy nhà trường, thường xuyên vắng học, thậm chí có biểu hiện gây gổ, đánh nhau, vô lễ với thầy cô, vi phạm trật tự an toàn giao thông,…
Hơn 30 năm công tác trong ngành giáo dục, cô Trương Thị Hạnh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tháp Chàm (Tp.Phan Rang – Tháp Chàm) được xem là một trong những giáo viên có nhiều kinh nghiệm trong công tác chủ nhiệm, đặc biệt là việc giáo dục HS chưa ngoan. Cô Hạnh, chia sẻ: HS chưa ngoan là những em có cá tính rất mạnh, luôn muốn khẳng định mình bằng một cách nào đó, vì vậy, nếu mình không “tạo điều kiện” để các em khẳng định thì rất dễ khiến các em này “ngã” theo chiều hướng tiêu cực. Bản chất con người là thiện và hướng thiện, HS chưa ngoan cũng vậy. Điều quan trọng là mình có tìm ra được cái “lõi” ấy của các em hay không. Những con ngựa bất kham luôn là những con ngựa tốt, tuy nhiên, nếu sử dụng sai phương pháp, phản giáo dục thì sẽ khiến các em chai lỳ hơn, việc giáo dục sẽ càng khó khăn hơn.
Trong “lộ trình” giáo dục HS chưa ngoan, giáo viên chủ nhiệm phải là “người cầm cương” thật sự kiên nhẫn, nhiệt tâm, đồng thời phải sử dụng phương pháp tâm lý linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng học sinh. Mục tiêu của giáo dục phải hướng đến việc cung cấp kỹ năng để các em tự biết phải làm gì, tự điều chỉnh ý thức và hành vi của bản thân.
Thầy giáo Nguyễn Đức Vũ, giáo viên Trường THPT Chuyên Lê Qúy Đôn (Tp.Phan Rang – Tháp Chàm) là người có nhiều tâm huyết với việc giáo dục HS chưa ngoan. Qua công tác tại nhiều trường cấp 2 và 3, tiếp xúc với nhiều HS có biểu hiện chưa ngoan, thầy giáo Vũ đã đúc kết thành sáng kiến kinh nghiệm trong công tác chủ nhiệm với “5 quy tắc giáo dục HS chưa ngoan”. Đó là: 2 H – Hiểu rõ và Hợp tác; 2 Q – Quan tâm và Quan sát; 2 N – Nghiêm khắc và Ngọt dịu; 2 Đ – Động viên và Định hướng; 2 T – Tâm huyết và Trách nhiệm. Thầy Vũ cho biết: Giáo viên chủ nhiệm là người đi sâu đi sát các em nhất, có điều kiện để nắm bắt tâm tư, tình cảm cũng như hoàn cảnh gia đình của mỗi em, từ đó xác định được nguyên nhân dẫn đến việc các em chưa ngoan. Điều quan trọng là phải cho các em niềm tin, chính là niềm tin vào bản thân mình, giá trị của cuộc đời mình. Từ chỗ cảm thấy được sự tôn trọng của thầy, cô giáo và bạn bè, các em sẽ tự tin hơn, dần xây dựng được ý thức tự học và tự chịu trách nhiệm với tương lai, với cuộc sống của chính mình. Việc quan tâm động viên, khích lệ sự tiến bộ của các HS chưa ngoan, dù đó chỉ là những tiến bộ rất nhỏ, cũng có ý nghĩa rất lớn với các em.
Ngoài vai trò chủ đạo của giáo viên chủ nhiệm, nhà trường phải luôn có sự quan tâm và hỗ trợ kịp thời trong việc giáo dục HS chưa ngoan, gắn với phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, HS tích cực”, lồng ghép trong nội dung giảng dạy các môn học, liên hệ thường xuyên với phụ huynh,… nhằm góp phần hạn chế số lượng HS chưa ngoan, tạo điều kiện để các em bước vào đời với những kỹ năng sống tích cực, trở thành công dân tốt cho xã hội.
Bảo Bình