Tiết học ngoại khoá diễn ra ngay chính ngôi nhà sàn truyền thống của người Raglai. Bên trong nhà sàn, những hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các vị anh hùng dân tộc và Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh… được bài trí trang trọng. Một tiết học sôi nổi, cuốn hút và mới lạ với các bài giảng về văn hoá các tộc người, trong đó có tộc người Raglai, lịch sử bẫy đá Pinăng Tắc, đàn Chapi, dụng cụ gắn liền với sản xuất và sinh hoạt hàng ngày của chính đồng bào Raglai địa phương.
Một tiết học ngoại khóa trong Nhà sàn truyền thống của người Raglai.
Ngôi nhà sàn được dựng lên trong khuôn viên Trường TH Phước Bình A từ sự đóng góp tiền và công sức của phụ huynh học sinh và giáo viên nhà trường. Đối với người Raglai, nhà sàn là nơi tổ chức các lễ hội cộng đồng, nơi sinh hoạt văn nghệ mang tính dân gian như múa truyền thống, đánh mã la, thi hát đối đáp. Việc tổ chức các tiết học ngoại khoá mang ý nghĩa giáo dục cao, tránh được các tiết học nhàm chán, thu hút và phát huy được tính tích cực của học sinh.
Không những vậy, nhà trường còn tổ chức cho thầy, cô giáo và học sinh xây dựng khuôn viên xanh như: trồng cỏ, trồng hoa để tạo cảnh quan đẹp, giúp các em biết yêu thiên nhiên và thêm yêu ngôi trường mình. Việc tổ chức các hoạt động ngoại khoá phù hợp với điều kiện cụ thể của nhà trường và địa phương đã thu hút sự tham gia tích cực của nhà trường, gia đình và cộng đồng. Nhờ vậy, năm học vừa qua, số học sinh bỏ học tại Trường TH Phước Bình A không đáng kể. Thầy Dương Đăng Thục, Hiệu trưởng nhà trường tâm sự: Qua làm nhà sàn đưa giáo dục truyền thống của địa phương vào nhà trường để phụ huynh và học sinh thấy được việc giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc là việc mà không những giáo viên trong nhà trường mà cả phụ huynh cũng như cộng đồng cùng tham gia xây dựng…
Phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” được ngành giáo dục triển khai rộng rãi ở các nhà trường. Vì vậy, cách đưa văn hoá truyền thống của người Raglai vào các tiết học ngoại khoá ở huyện miền núi Bác Ái, nơi có trên 95% đồng bào Raglai sinh sống, là cách làm mang lại hiệu quả thiết thực. Quan trọng hơn, qua chương trình đã giúp các em tự tin trong quá trình học tập và tham gia các hoạt động xã hội, góp phần từng bước nâng cao chất lượng giáo dục ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Hoàng Trung