NHÌN LẠI NĂM 2014:

Sức bật mới của ngành Công nghiệp

(NTO) Trong điều kiện tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng kết thúc năm 2014, tổng giá trị sản xuất ngành Công nghiệp (CN) tỉnh ta vẫn đạt 2.753 tỷ đồng, tăng 26,6%; chỉ số sản xuất CN (IIP) tăng 28,1% so với năm trước. Điều đó cho thấy, năng lực sản xuất của ngành CN tỉnh nhà đã có sức bật mới.

Nhìn lại bức tranh CN trong năm qua cho thấy, trong 20 sản phẩm công nghiệp chủ yếu, có 14 sản phẩm tăng so với cùng kỳ, trong đó có 8 sản phẩm tăng trên 20%, gồm: Khăn bông tăng 5 lần; bia đóng lon tăng 2,8 lần; tôm đông lạnh tăng 89,7%; xi-măng tăng 30%; gạch không nung tăng 2,3 lần; muối các loại tăng 40,8%; đường RS tăng 24,4% và tinh bột mì tăng 23,9%.

Nhà máy Sản xuất khăn bông Quảng Phú hoạt động hiệu quả, góp phần giải quyết nhiều việc làm ở huyện Ninh Sơn.

Theo đánh giá của Sở Công Thương, đạt kết quả trên là do các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh đã nỗ lực vượt qua khó khăn, tiếp tục đầu tư mở rộng cơ sở để phát huy năng lực sản xuất mới; đồng thời chủ động trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể, như Công ty TNHH Thông Thuận, để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, ngoài việc đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất, tìm kiếm thị trường, đơn vị còn đầu tư xây mới thêm nhà máy sản xuất số 2, với công suất 6.500 tấn thành phẩm/năm tại Cụm công nghiệp Thành Hải (Phan Rang – Tháp Chàm). Nhờ đó, trong năm 2014 công ty sản xuất được gần 4.000 tấn thành phẩm, xuất khẩu sang các nước Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia...

Đối với lĩnh vực may xuất khẩu, các DN cũng rất tích cực trong việc tìm đơn đặt hàng mới và thị trường tiêu thụ. Đến thăm Công ty TNHH May Tiến Thuận vào những ngày đầu năm mới, chúng tôi nhận thấy hoạt động sản xuất của DN diễn ra khá nhộn nhịp. Khắp 27 dây chuyền sản xuất, công nhân đang tích cực làm việc với niềm vui và khí thế mới. Ông Nguyễn Khắc Danh, Kế toán trưởng đơn vị cho biết: Trong quá trình sản xuất, đơn vị luôn đặt ra tiêu chí “nhanh - bền - đẹp”, nhằm đảm bảo đúng thời gian giao sản phẩm, mẫu mã đẹp và độ bền của sản phẩm cao, nên đã tạo được uy tín với thị trường. Trong năm 2014, đơn vị đã sản xuất được trên 1,5 triệu sản phẩm, xuất sang các nước EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Đài Loan, doanh thu đạt hơn 140 tỷ đồng, vượt 7% so với kế hoạch. Bước sang năm mới 2015, công ty sẽ tăng đơn đặt hàng lên 1,8 triệu sản phẩm. Để đạt được kế hoạch này, đơn vị sẽ mở thêm 1 dây chuyền sản xuất và tuyển dụng thêm 50 lao động của địa phương, nâng tổng số lao động của công ty lên 1.900 người.

Ngoài những điểm sáng kể trên, trong năm qua, các sản phẩm làng nghề như: Dệt thổ cẩm, gốm mỹ nghệ..., cũng ổn định sản xuất và thu hút khách du lịch đến tham quan, mua sắm khá nhiều, góp phần đưa giá trị sản xuất của khu vực này đạt 550 tỷ đồng, tăng 26,4% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, một số sản phẩm chủ lực khác như mía đường cũng đã vào vụ sản xuất mới. Trong niên vụ 2014-2015, Công ty Cổ phần Mía đường Phan Rang đã hợp đồng bao tiêu với nông dân trong tỉnh trên 3.400 ha, tăng 410 ha so với niên vụ trước. Hiện công ty đang tiến hành thu mua tại ruộng với giá 840 ngàn đồng/tấn đối với mía nguyên liệu 10 chữ đường để thực hiện vụ ép mới sản lượng khoảng 21 ngàn tấn đường thành phẩm. Theo lãnh đạo đơn vị cho biết, niên vụ mới 2015-2016, công ty tiếp tục hợp đồng bao tiêu sản phẩm mía cho bà con với giá 750 ngàn đồng/tấn, đồng thời tùy theo điều kiện canh tác để thực hiện ứng trước vốn chăm sóc, mua vật tư từ 15 – 30 triệu đồng/ha mía cho nông dân.

Điểm đáng chú ý, đó là một số nhóm ngành mới hoàn thành đưa vào hoạt động như: Thủy điện Hạ Sông Pha 1, Hạ Sông Pha 2..., đã phát huy hiệu quả năng lực sản xuất. Trong năm qua, các nhà máy thủy điện nói trên đã vận hành đạt sản lượng gần 70 triệu kWh, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt, sản phẩm bia đóng lon của Nhà máy Bia Sài Gòn-Ninh Thuận đã phát huy công suất đạt 52 triệu lít, doanh thu đạt 888,3 tỷ đồng, nộp ngân sách 400 tỷ đồng; Công ty Dệt Quảng Phú dù mới đi vào hoạt động chưa lâu, nhưng với sự năng động, đã sản xuất đạt 1.000 tấn khăn bông các loại, góp phần cho sự tăng trưởng chung của ngành khá lớn.

Sự phát triển của ngành CN trong năm qua là đáng ghi nhân. Tuy nhiên thực tế phải nhìn nhận rằng, tính bền vững của sự phát triển đó chưa cao. Minh chứng cụ thể cho thấy, đó là trong năm qua vẫn còn 8 nhóm sản phẩm công nghiệp không đạt kế hoạch, trong đó có 5 sản phẩm giảm mạnh so với cùng kỳ, như: Điện sản xuất giảm 12,4%; gạch nung giảm 20%; phân hữu cơ giảm 21,9%; nước yến giảm 28,6%; đặc biệt, chế biến hạt điều xuất khẩu, được xem là mặt hàng chiếm tỷ trọng cao ở những năm trước và có tác động lớn đến tốc độ tăng trưởng chung, nhưng năm nay đã giảm đến 41,6%.

Lý giải về việc xuất khẩu hạt điều ngày càng có chiều hướng giảm mạnh, đồng chí Nguyễn Thanh Hoan, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Nguyên nhân chính là do lâu nay các DN chuyên kinh doanh mặt hàng này vẫn chưa thoát khỏi vòng “lẩn quẩn” trong hệ thống dây chuyền gia công sản phẩm thô hoặc gia công lại cho một số tập đoàn, DN lớn trong và ngoài nước. Mặt khác, do chưa tìm được đầu ra ổn định, nên có DN dường như đã ngừng sản xuất...

Vấn đề đặt ra là để tạo được yếu tố bền vững trong phát triển ngành CN, thì trước hết các DN cần phải xác định rõ chiến lược đầu tư của mình, nhất là nỗ lực nhiều hơn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ, đưa sản phẩm của mình tiến xa, tiến sâu không chỉ tới những vùng, miền của thị trường trong nước, mà còn vươn xa ra cả các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần đánh giá rõ thực trạng để có giải pháp hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc giúp cho các DN ổn định sản xuất, tăng thêm sức bật mới cho quá trình phát triển của ngành.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH NGÀNH CÔNG NGHIỆP:

 
 Công ty CP Bia Sài Gòn - Ninh Thuận.
 
 
Công ty TNHH Thông Thuận đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu.
 
 
Công ty CP Mía đường Phan Rang đạt sản lượng trên 20.000 tấn sản phẩm/năm.
 
 
 
Công ty TNHH May Tiến Thuận đạt sản lượng 1,5 triệu sản phẩm/năm.