CPI tháng 12/2014 giảm 0,24% so với tháng 11. Như vậy CPI năm nay không chỉ tăng thấp trong các tháng có tính thời vụ theo thông lệ của cùng kỳ nhiều năm trước, mà tăng thấp hơn trong 2 tháng đầu năm và tăng thấp, thậm chí giảm trong những tháng cuối năm. Đây là nhịp độ tăng hiếm thấy trong nhiều năm.
CPI năm 2014 thấp chỉ bằng 1/4 CPI bình quân năm trong thời kỳ 2002- 2013 (tăng 9,32%) và là năm thứ ba CPI liên tiếp tăng chậm lại cho thấy, CPI đã ở trạng thái thoát ra khỏi chu kỳ “một năm tăng thấp, hai năm tăng cao” lặp đi lặp lại trong thời kỳ 2004- 2011 với tốc độ tăng khá cao (11,58%/năm).
CPI giai đoạn 2002-2014. Nguồn: Tổng cục Thống kê
So với kế hoạch (mục tiêu tăng 7%), CPI 2014 tăng chưa bằng một nửa, một điều thường ít xảy ra, không phải năm nào cũng đạt được, thậm chí hàng chục năm mới có một vài năm. Đối với các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách vĩ mô,… thì sự “bất ngờ” này có thể được coi là bài học về các mặt: Chuẩn hóa thông tin về các yếu tố tác động; trình độ dự báo; tính thị trường của nền kinh tế còn chưa đầy đủ…
Trong cơ chế thị trường, nhận thức chủ quan và dự báo của con người thường có khoảng cách so với quy luật khách quan. Vì thế phải tiếp tục đổi mới thể chế, với điểm nhấn là kinh tế thị trường- như Thông điệp đầu năm của Thủ tướng Chính phủ
Đáng chú ý, CPI thấp hơn, GDP tăng với tốc độ cao hơn cùng với cán cân thương mại, cán cân thanh toán có số dư cao hơn... là kết quả “kép”, không phải năm nào cũng đạt được, thậm chí trong hàng chục năm mới có một vài năm. Bởi lạm phát và tăng trưởng là cặp chỉ tiêu hiếm có sự đồng hành, thậm chí còn dễ bị rơi vào vòng luẩn quẩn “tăng trưởng- lạm phát- thắt chặt- suy giảm- nới lỏng- tăng trưởng- lạm phát...”.
Đây là điều kiện quan trọng để các ngân hàng thương mại hạ lãi suất huy động, tạo điều kiện để giảm lãi suất cho vay- một trong những yếu tố tạo điều kiện cho việc tiếp cận vốn, tăng trưởng và nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng tiêu thụ, giảm tồn kho quay nhanh vòng vốn, giảm nợ xấu... của người sản xuất kinh doanh; tạo tiền đề để ngân hàng thương mại đẩy nhanh hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng...
Tốc độ tăng của CPI năm 2014 cho thấy quan hệ cung- cầu đã đảo chiều (từ cầu lớn hơn cung trong thời kỳ trước năm 2011, sang cầu nhỏ hơn cung từ năm 2012 đến nay). Do vậy, áp lực của yếu tố cầu kéo giảm xuống. Giá nhập khẩu tính bằng USD giảm, tỷ giá VND/USD tăng thấp (tăng 0,6%), nên giá nhập khẩu tính bằng VND giảm, đặc biệt là giá xăng dầu giảm 11 lần trong năm; lãi suất vay ngân hàng giảm..., nên áp lực của yếu tố chi phí đẩy không lớn.
"Kết quả kép” của năm 2014 cũng có thể cho thấy một điểm nhấn quan trọng nữa về CPI 2014 và cũng là tín hiệu khả quan của kế hoạch năm 2015, đặc biệt là mục tiêu kép vừa tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, vừa kiềm chế lạm phát ở mức thấp, vừa tăng trưởng kinh tế cao hơn.
Nguồn chinhphu.vn