Tiếp nhận các ý tưởng mới, sáng tạo, góp phần định hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhanh và bền vững

(NTO) Theo kế hoạch, ngày 28-12-2014, UBND tỉnh tổ chức Hội thảo “Định hướng phát triển nhanh và bền vững kinh tế-xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Để bạn đọc hiểu rõ hơn về Hội thảo quan trọng này, phóng viên Báo Ninh Thuận có cuộc trao đổi với đồng chí Phạm Đồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Đồng chí Phạm Đồng
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư

Phóng viên: Được biết Hội thảo có tầm quan trọng trong việc gợi mở những hướng đột phá để phát triển toàn diện kinh tế-xã hội của tỉnh đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Đồng chí có thể cho biết rõ hơn nội dung trọng tâm của Hội thảo và dự kiến kết quả mang lại cho tỉnh ta là gì?

Đồng chí Phạm Đồng: Ngày 10-11-2014, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 5443/KH-UBND về tổ chức Hội thảo “Định hướng phát triển nhanh và bền vững kinh tế-xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Mục đích của Hội thảo nhằm tập hợp, tìm kiếm ý tưởng sáng tạo, các giá trị mới có ý nghĩa hiện thực cao, giúp Ninh Thuận khai thác và sử dụng hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh theo hướng đột phá để phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững. Trên cơ sở kết quả thực hiện 5 năm (2011-2015); dự báo các nhân tố mới, các yêu tố, cơ hội mới và những khó khăn, thách thức 5 năm tới để định hướng mô hình phát triển kinh tế tỉnh Ninh Thuận; xác định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ngành kinh tế động lực, điều kiện để trở thành ngành kinh tế động lực, khâu đột phá... Hình thành những nhóm giải pháp hữu hiệu để bổ sung, đóng góp vào quá trình phát triển của tỉnh trong các lĩnh vực phát triển công nghiệp, năng lượng, du lịch, nông-lâm-thủy sản; đồng thời thúc đẩy và cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh trong thời gian tới.

Một góc thành phố Phan Rang - Tháp Chàm.Ảnh: Văn Miên

Hội thảo do UBND tỉnh phối hợp với Nhóm Tư vấn hợp tác phát triển vùng Duyên hải miền Trung tổ chức, có quy mô lớn, thu hút nhiều chuyên gia, nhà khoa học, các nhà nghiên cứu đầu ngành nhiều nhất từ trước đến nay. Hội thảo lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc định hướng mô hình phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới, đưa tỉnh ta trở thành động lực phát triển cho vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ với Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Hội thảo hứa hẹn sẽ là nơi trao đổi trực tiếp, thẳng thắn mang tính khoa học cao giữa lãnh đạo các bộ, ngành, chính quyền địa phương với các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp, nhà đầu tư nhằm tìm ra những ý tưởng sáng tạo, có tính khả thi, góp phần phát triển nhanh và bền vững kinh tế-xã hội của tỉnh. Đây cũng là cơ hội để giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của Ninh Thuận đến các nhà đầu tư, đối tác trong và ngoài nước quan tâm.

Phóng viên: Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo nhiều bộ, ngành Trung ương và các chuyên gia, các viện nghiên cứu, các trường đại học… Vậy công tác chuẩn bị của tỉnh ta ra sao?

Đồng chí Phạm Đồng: Xác định ý nghĩa và tầm quan trọng của Hội thảo, bám sát tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Nhóm Tư vấn hợp tác phát triển vùng Duyên hải miền Trung triển khai với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc. Đến nay, mọi công việc chuẩn bị tổ chức Hội thảo được thực hiện theo đúng tiến độ đã đề ra.

UBND tỉnh đã có kế hoạch chỉ đạo các cơ quan truyền thông của tỉnh, các sở, ngành tổ chức đăng tải thông tin về Hội thảo trước, trong và sau khi kết thúc hội thảo. Đã xây dựng chuyên mục (tiếng Việt, tiếng Anh) về Hội thảo trên Website Vùng Duyên hải miền Trung, trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh Ninh Thuận, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Trung tâm Tư vấn – Nghiên cứu phát triển miền Trung. Tiếp tục thông tin quảng bá Hội thảo trên báo chí. Triển khai việc treo pa-nô, băng-rôn, phướn, standee,... trên các tuyến đường trung tâm Tp.Phan Rang-Tháp Chàm, trung tâm các huyện, Sân bay Cam Ranh, Khách sạn Sài Gòn-Ninh Chử.

Ban Tổ chức đã gửi 200 giấy mời lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế, Nhóm tư vấn hợp tác Phát triển Vùng, Quỹ Nghiên cứu Phát triển miền Trung, các viện nghiên cứu, các trường đại học, các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo 3 tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng, Khánh Hòa. Đây là yếu tố quan trọng góp phần cho thành công của Hội thảo.

Đến nay, Ban Tổ chức đã nhận được 32 báo cáo, tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, các viện nghiên cứu, các tổ chức và đang tích cực khẩn trương biên tập, in Kỷ yếu phục vụ tại Hội thảo.

Với sự chuẩn bị chu đáo của Ban tổ chức, kỳ vọng Hội thảo sẽ gặt hái được nhiều kết quả với những ý kiến đóng góp tâm huyết của các chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh để đưa Ninh Thuận tiến xa hơn nữa trong tương lai.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!