Chỉ riêng năm 2014, tỉnh ta đã chấp thuận và cấp phép đầu tư hàng chục dự án du lịch với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 1.500 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp du lịch đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị, nâng cao trình độ nghiệp vụ đội ngũ quản lý và nhân viên phục vụ.
Một góc khu nghỉ mát Amanơi (xã Vĩnh Hải, Ninh Hải). Ảnh: V.Miên
Theo đánh giá thời gian gần đây, hạ tầng du lịch ở tỉnh ta đã có bước phát triển, nhưng cơ sở có quy mô và chuyên nghiệp không nhiều để có thể đáp ứng nhu cầu của du khách trong những dịp lễ, tết, những lễ hội tổ chức tại tỉnh. Điểm hạn chế đầu tiên của hầu hết các cơ sở lưu trú ở tỉnh ta là chưa dám mạnh dạn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Trên thực tế, ngoại trừ một số doanh nghiệp lớn “mạnh tay” làm du lịch như: Khu nghỉ dưỡng Amanoi (Ninh Hải), các resort Sài Gòn-Ninh Chử, Sơn Long Thuận, Con Gà Vàng…còn lại các cơ sở lưu trú chủ yếu quy mô nhỏ lẻ, hình thức tự phát, do hộ gia đình tự xây dựng. Do đó, việc đầu tư còn thiếu quy mô, dẫn đến một số tiêu chuẩn về cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được. Nhiều cơ sở lưu trú chất lượng dịch vụ ở mức thấp. Ngoài ra, nhiều “nút thắt” về giá cả dịch vụ, môi trường vệ sinh, an ninh trật tự... vẫn chưa được tháo gỡ thỏa đáng. Những lý do trên đã khiến khâu quảng bá của nhiều cơ sở lưu trú vẫn “dậm chân tại chỗ” và việc xây dựng thương hiệu riêng cho từng cơ sở lưu trú trở nên rất khó khăn.
Tại hội thảo về phát triển du lịch mới được ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức mới đây, ông Phan Bửu Toàn, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn, nhận định: Ở Ninh Thuận tính liên kết giữa các cơ sở lưu trú với nhau và giữa các cơ sở lưu trú với những đơn vị khác như: công ty lữ hành, công ty tổ chức dịch vụ... vẫn còn rất rời rạc, thiếu hiệu quả. Các cơ sở lưu trú vẫn chưa thực sự cùng ngồi lại với nhau để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, mà vẫn chủ yếu “đường ai, người nấy chạy”. Ông Toàn đưa ra dẫn chứng ở Bình Thuận, mỗi năm kinh phí tỉnh cấp cho Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh chưa đến 100 triệu đồng, nhưng đơn vị này đã tổ chức được các buổi xúc tiến du lịch trong và ngoài nước với kinh phí lên hàng tỷ đồng. Bởi các doanh nghiệp làm du lịch ở Bình Thuận ý thức được phần lợi của mình nên mạnh dạn đóng góp kinh phí, trong khi đó ở Ninh Thuận không thực hiện được. “Các doanh nghiệp sợ tốn kém trước mắt, chưa tính được cái lợi sau này”-ông Toàn nói.
Bãi biển Ninh Chử xinh đẹp thu hút du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Bên cạnh đó, các cơ sở lưu trú của tỉnh ta chỉ mới đáp ứng yêu cầu nhỏ lẻ của khách, chưa biết kết nối để phục vụ các nhu cầu khác (như tham quan du lịch, trải nghiệm ở các làng nghề, thưởng thức ẩm thực bản địa đặc sắc...). Ông Toàn cho rằng trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, chỉ có liên kết mới tạo thêm nhiều cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp du lịch quy mô nhỏ. Cùng chung quan điểm này, ông Lê Thành Hiển, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh, khẳng định: Giữa trung tâm và các cơ sở lưu trú cần tăng sự liên kết, hai bên cùng có lợi. Sắp tới, trung tâm sẽ đề nghị đặt tờ rơi quảng bá tại các đơn vị lưu trú trong tỉnh và những đơn vị này sẽ được trung tâm dành nhiều ưu đãi. Tuy nhiên, bản thân các cơ sở lưu trú cũng cần có sự linh hoạt nhằm lôi kéo khách nghỉ bằng việc tổ chức các hoạt động giải trí về đêm, kết hợp mua sắm, ngắm cảnh...
Theo ông Hồ Sỹ Sơn, Phó Giám đốc sở VHTT&DL: Yếu tố quyết định quan trọng để Du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương vẫn là hạ tầng du lịch. Do đó, thời gian tới, các cấp có thẩm quyền cần quan tâm huy động mọi nguồn lực để tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các địa bàn trọng điểm du lịch; thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng để các dự án đầu tư du lịch đã được cấp phép đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đi vào hoạt động kinh doanh. Xây dựng hệ thống biển quảng cáo cỡ lớn, biển chỉ dẫn giới thiệu tại các điểm du lịch đã được đánh giá, xếp hạng trong khu vực; quy hoạch và xây dựng các khu trưng bày và bán sản phẩm của người dân tại các điểm du lịch cộng đồng. Được như vậy, kinh tế du lịch của tỉnh sẽ có những bước bứt phá mới, đóng góp tích cực vào phát triển chung của tỉnh. Tuy nhiên, cũng theo ông Sơn: “Chỉ có doanh nghiệp mới tự giúp được chính mình” trên cơ sở tích cực hợp tác với cơ quan chức năng trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; tăng cường tính liên kết nhiều phía để cùng phát triển; chủ động và linh hoạt trong hoạt động kinh doanh; nỗ lực xây dựng thương hiệu riêng”...
Xuân Bính