- Ngày 13-12-1945: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về vấn đề đổi giấy bạc 500đ, vấn đề đẩy mạnh cổ động và tuyên truyền phục vụ Tổng tuyển cử.
- Ngày 13-12-1946: Báo Cứu Quốc đăng hai bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong bài “Chiến lược của quân ta và quân Pháp” nêu rõ: “Chiến lược của chúng là chiến lược tiến công, đánh chớp nhoáng” còn “chiến lược của ta là chiến lược phòng ngự. Về phương pháp tác chiến, chúng ta áp dụng vận động chiến song song với du kích chiến... Kháng chiến lâu dài cần phải chuẩn bị đầy đủ và tất nhiên phải qua nhiều giai đoạn khổ sở, gian lao... Nhưng chúng ta nhất định sẽ thắng trong cuộc chiến đấu tự vệ của chúng ta”.Trong bài “Động viên kinh tế”, tác giả đi đến kết luận: “Cuộc kháng chiến lâu dài của chúng ta được thắng lợi là do nơi chúng ta động viên kinh tế được thành công, vì chúng ta có biết động viên kinh tế một cách khôn khéo, thực lực chúng ta mới được đầy đủ và bền bỉ. Rất mong toàn thể quốc dân sẽ gắng gỏi trong công việc này”.
- Ngày 13-12-1946: Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị các khu trưởng quân sự tại Hà Đông. Hội nghị quán triệt nhận định: "Chủ trương của Đảng vẫn là tranh thủ khả năng hòa bình, nhưng phải chuẩn bị cấp tốc để tiến hành chiến tranh toàn dân, toàn diện và trường kỳ."Hội nghị rút kinh nghiệm tác chiến ở Hải Phòng, Lạng Sơn, Nam Bộ và đề ra kế hoạch "Vườn không nhà trống".
- Ngày 13-12-1951: Bác Hồ viết bài “Tinh thần trách nhiệm” đăng trên báo Nhân dân, số 36. Trong bài viết, Người cho rằng, những thiếu sót của phong trào tự phê bình và phê bình ở một số nơi là do chưa nêu rõ tinh thần trách nhiệm.Người khẳng định, tinh thần trách nhiệm là: Nắm vững chính sách, đi đúng đường lối quần chúng, làm tròn nhiệm vụ “bất kỳ ai, ở địa vị nào, làm công tác gì, gặp hoàn cảnh nào, đều phải có tinh thần trách nhiệm”. Và kết luận: “Với lòng kiên quyết dùi mài tinh thần trách nhiệm của cán bộ, chúng ta nhất định chiến thắng khuyết điểm, cũng như nhất định chiến thắng thực dân”.Với Bác, Người luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm từ việc lớn đến việc nhỏ nhất, cẩn thận trong kế hoạch làm việc và phân phối thời gian…
- Ngày 13-12-1954: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Ổn định sinh hoạt”, ký bút danh C.B., đăng báo Nhân dân, số 238. Người biểu dương thành tích khôi phục các mặt hoạt động của Thủ đô Hà Nội những ngày đầu giải phóng, và yêu cầu mỗi người dân Hà Nội cần cố gắng làm tròn nhiệm vụ của mình góp phần ổn định sinh hoạt của thủ đô.
- Ngày 13-12-1958: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các đại biểu Quốc hội nhân kết thúc kỳ họp thứ 9, của Quốc hội khóa I, Người động viên: “Nếu toàn dân cố gắng, toàn Đảng cố gắng, Chính phủ cố gắng, ta sẽ có dịp ăn mừng những thắng lợi to lớn hơn nữa”.
- Từ ngày 13-12-1974 đến ngày 6-1-1975: Chiến dịch giải phóng Phước Long. Chiến dịch tiến công khu vực Đồng Xoài, Bù Đăng, Phước Bình, Phước Long do Bộ Tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam tổ chức, nhằm tiêu diệt sinh lực địch, nối thông hành lang chiến lược từ Tây Nguyên vào Đông Nam Bộ. Qua ba đợt chiến đấu, ta giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long với hơn 500.000 dân, diệt và bắt 3.300 tên địch. Chiến thắng này là niềm tự hào của quân và dân miền Đông Nam Bộ, là cơ sở thực tiễn để quân đội ta tiếp tục hoàn thiện kế hoạch chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam nhanh hơn, phù hợp hơn với sự phát triển của tình hình.
- Ngày 13-12-2010: tại khu công nghiệp Nhơn Trạch 1 (Đồng Nai), Công ty TNHH POSCO VST (Hàn Quốc) khởi công xây dựng Nhà máy thép không gỉ cán nguội với công suất khoảng 150.000 tấn/năm và tổng vốn đầu tư 130 triệu USD. Ngày 7-3-2012, Nhà máy này chính thức được khánh thành sau hơn một năm xây dựng. Đây là Nhà máy sản xuất thép không gỉ cán nguội lớn nhất Việt Nam hiện nay.
- Ngày 13-12-2013: Đình Tiên Thủy - Bến Tre đón nhận Bằng Di tích lịch sử cấp quốc gia. Đình Tiên Thủy tại ấp Khánh Hội Đông, xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre được xây dựng vào khoảng năm 1778 bằng cây lá đơn sơ, đến năm 1917, ngôi đình được xây dựng lại kiên cố với tổng diện tích là 11.587m2, diện tích xây dựng là 835,18m2. Đình có cấu trúc gồm các gian kiến trúc: võ ca, võ quy và chính điện được xây liền nhau, phía sau là nhà chỉnh y, nhà bếp và nhà tiệc…
Theo TTXVN