Phóng viên TTXVN tại khu vực Mỹ Latinh dẫn phát biểu của ông Lopes cho rằng “tương lai của cuộc chiến chống đói nghèo thuộc về nuôi trồng thủy sản”. Theo ông, nuôi trồng thủy sản có thể bảo đảm an ninh thực phẩm, tăng chất lượng cuộc sống, tạo công ăn việc làm và thu nhập tại tất cả các nước. Nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác giữa các nước nhằm đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản, quan chức đang giữ chức Bộ trưởng nghề cá Brazil này đưa ra ví dụ về hợp tác cùng có lợi giữa Brazil và Côte d''Ivoire. Theo đó, năm 1971, Brazil bắt đầu nhập cá rô phi từ Côte d''Ivoire nhưng hiện nay Brazil trở thành nước xuất khẩu cá rô phi cải tiến gien cho năng suất cao hơn sang quốc gia châu Phi trên. Tuy nhiên, ông Lopes thừa nhận Brazil nhập cá nhiều hơn xuất, mỗi năm bỏ ra từ 500 triệu USD đến 700 triệu USD để nhập cá hồi của Chile, cá tuyết của Na Uy hoặc cá tra của Việt Nam, nhưng chỉ thu về khoảng 200 triệu USD từ xuất khẩu cá. Cuộc họp của Hội đồng bộ trưởng RAA, cơ quan thuộc Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), vừa diễn ra tại Asunción (Paraguay) nhằm thảo luận các biện pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm cá như là một giải pháp chống đói nghèo tại Mỹ Latinh và Caribe. Một số chuyên gia chỉ ra nghịch lý là Mỹ Latinh và Caribe có sự đa dạng sinh học để nuôi các giống cá rẻ tiền như cá mòi hay cá tuyết và có thể biến chúng thành thực phẩm dễ tiếp cận cho nhóm người thu nhập thấp. Tuy nhiên, các nước trong khu vực trên lại chế biến những loài cá này thành bột làm thức ăn gia súc, trong khi nhập cá giá rẻ từ châu Á. Theo FAO, 40 % số cá được tiêu thụ tại Mỹ Latinh và Caribe có nguồn gốc nhập khẩu.
Theo TTXVN