1. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang gia tăng sự hiện diện quân sự trong phần lãnh thổ phía Đông, tại các nước thành viên NATO nằm gần Liên Bang Nga. Tổng Thư ký NATO nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ duy trì sự hiện diện liên tục, trên không, dưới mặt đất và trên biển, tại các vùng phía Đông của NATO. Chúng tôi cũng đang xây dựng lực lượng tinh nhuệ phản ứng nhanh. Đó là mấu chốt trong chính sách an ninh của NATO”. Các nước Đông Âu có thể tiếp nhận lực lượng này đều là thành viên của NATO. Riêng với Ukraine (U-crai-na), không phải là quốc gia thành viên, NATO cho biết sẽ cung cấp cho nước này 15 triệu Euro để hiện đại hóa quân đội.
Một động thái liên quan, Chính phủ Ukraine muốn khởi động lại thủ tục xin gia nhập NATO, một hành động mà Nga đã liên tiếp phản đối, còn NATO tuy hoan nghênh, nhưng cũng nói ngay rằng, Ukraine chưa thể sớm đáp ứng các tiêu chí ngặt nghèo về chính trị và quân sự để có thể trở thành thành viên NATO.
2. Chính phủ Nga cảnh báo, nền kinh tế nước này đang rơi vào tình trạng suy thoái trong năm tới nếu như giá dầu tiếp tục giảm sâu và phương Tây tăng cường thêm các biện pháp trừng phạt.
Bộ Phát triển Kinh tế Nga đã điều chỉnh dự báo GDP trong năm 2015 từ mức tăng trưởng 1,2% giảm xuống mức 0,8%. Theo một dự báo mới, thu nhập thực tế của người dân Nga trong năm tới giảm 2%, lương thực tế giảm 0,3%. Ngoài việc hạ các chỉ số dự báo tăng trưởng, Bộ Phát triển Kinh tế Nga cũng giảm mạnh tỷ giá trung bình của đồng Rub trong năm 2015, từ 37,7 xuống 49 Rub/USD. Trên thực tế, năm 2014, đồng Rub bị mất giá 40% gây tâm lý hoang mang và ảnh hưởng đến chi tiêu. Đây là lần đầu tiên Nga chính thức thừa nhận về nguy cơ suy giảm kinh tế của nước này.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (Giôn Ke-ri) tuyên bố, các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã gây tác động tới Nga và khẳng định, Moskva (Mát-xcơ-va) có thể tránh được tình hình tồi tệ hơn, nếu có những bước đi cụ thể nhằm chấm dứt sự hỗ trợ đối với lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine. Tuy nhiên, đây là cáo buộc của phương Tây mà Nga vẫn luôn phủ nhận.
3. Lần đầu tiên, Ngoại trưởng 60 quốc gia trong Liên minh Quốc tế chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng họp tại Brussels (Bỉ). Mục đích của cuộc họp này là thảo luận các bước đi tiếp theo sau nhiều tháng ném bom các vị trí trọng yếu của IS.
Từ đầu tháng 8, Mỹ và các nước đồng minh liên tục ném bom xuống các địa điểm quân sự và kho chứa dầu trong vùng lãnh thổ do lực lượng IS kiểm soát, nhưng rõ ràng chỉ đánh từ trên không thôi chưa đủ, phải có bộ binh dưới đất. Vấn đề là cho đến lúc này vẫn không có nước nào gửi quân tham chiến. Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí còn không đồng ý cho mượn căn cứ để liên quân tạm trữ vũ khí và tiếp dầu cho máy bay.
Tin tình báo mới nhất của Mỹ cũng cho hay, tổ chức IS đang tìm cách tuyển mộ hoặc kích động những đối tượng “có cảm tình với họ” tiến hành các hành động gây tổn thương cho binh lính Mỹ ở trong các căn cứ hoặc ở các nơi công cộng khác. Lời cảnh báo trên được đưa ra giữa lúc Mỹ và liên minh do Mỹ đứng đầu đang gia tăng các cuộc không kích vào bên trong và chung quanh Thành phố Raqqua (Ra-ka) của Syrie (Xi-ri), nơi nhóm IS tự cho là “thủ đô” Nhà nước Hồi giáo của tổ chức này.
PV