1. Ngay sau khi Thượng viện Mỹ công bố báo cáo về Chương trình thẩm vấn tù nhân do Cục Tình báo Trung ương (CIA) tiến hành, cộng đồng quốc tế đã lên án những hành động vi phạm nhân quyền trong chương trình này.
Tổng thống Afghanistan Ashrap Ghani (Át-ráp Gha-ni) cho biết, ông bị sốc trước báo cáo trên và cách đối xử của CIA đối với tù nhân. Ông Ghani cũng cam kết mở một cuộc điều tra xem có bao nhiêu người dân Afghanistan đang phải chịu đựng các hành vi lạm dụng quyền lực tại các trung tâm giam giữ của Mỹ tại Afghanistan. Còn Cơ quan Nhân quyền của LHQ có trụ sở tại Thụy Sỹ cho rằng, những người liên quan tới các hành động tra tấn cần phải được đưa ra xét xử.
Một số hình thức được CIA sử dụng như nhốt nghi phạm vào một không gian chật hẹp, bơm chất lỏng ngược lên trực tràng và đe dọa người thân của những nghi can. Tuy nhiên, đa số hình thức tra tấn của CIA không đem lại hiệu quả và không trợ giúp phá vỡ được bất kỳ âm mưu tấn công nào nhằm vào nước Mỹ. Được biết, trong số 119 trường hợp bị tra tấn, có ít nhất 26 người bị giam giữ trái phép và một số trường hợp bị tử vong.
Tổng thống B.Obama (B.Ô-ba-ma) đã lên tiếng thừa nhận nước Mỹ đã tiến hành một số hành động được cho là khá tàn bạo kể từ sau vụ khủng bố 11-9 và khẳng định đây đều là những hành vi vi phạm pháp luật.
2. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdonov (Mi-khai-in Bô-đô-nốp) đã tới Syrie (Xi-ri) nhằm thúc đẩy một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng kéo dài tại quốc gia Trung Đông này. Phát biểu sau cuộc hội đàm với Tổng thống Syrie Bashar al-Assad (Ba-xan an át-xát), hôm 10-12, Thứ trưởng Ngoại giao Nga cho biết, 2 bên đã thảo luận nhiều vấn đề về tình hình Syrie cũng như cuộc chiến chống khủng bố, trong đó có việc đối phó với lực lượng IS. Ông cũng kêu gọi Chính phủ Syrie và phe đối lập tổ chức một cuộc đối thoại tại Thủ đô Moskva (Mát-xcơ-va) theo sáng kiến của Nga, sẽ có sự tham gia của phái đoàn chính thức từ Syrie cũng như các nhân vật đối lập ở trong và ngoài Syrie nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tại quốc gia này.
3. Liên quan đến cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Ukraine (U-crai-na), cuộc họp của “Nhóm tiếp xúc” giải quyết cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine sẽ thảo luận việc thực thi các biện pháp cần thiết để duy trì một lệnh ngừng bắn lâu dài ở miền Đông Ukraine.
Theo dự kiến ban đầu, ngày 9-12, với sự trung gian của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) và Nga, các đại diện của Chính quyền Kiev (Ki-ép) và vùng Donbass (Đôn-bát) ở miền Đông Ukraine sẽ nhóm họp tại Minsk (Min-xcơ) thuộc nước Cộng hòa Belarus (Bê-la-rút) để thảo luận về lịch trình rút các thiết bị quân sự hạng nặng ra khỏi nơi có thể xâm phạm vùng kiểm soát của đối phương, cũng như tìm giải pháp để bảo đảm lệnh ngừng bắn được tuân thủ triệt để. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (Xéc-gây La-vơ-rốp) cho biết, cuộc gặp của “Nhóm tiếp xúc” chỉ có thể diễn ra sau vài ngày tới. Theo nhà Ngoại giao Nga, hiện các bên chưa thống nhất được với nhau về các vấn đề sẽ thảo luận.
Đúng theo thỏa thuận đạt được hồi đầu tuần trước, hôm 9-12, cả quân đội Ukraine và lực lượng đòi ly khai đã đình chỉ tất cả các hoạt động chiến sự ở miền Đông nước này để bắt đầu “Ngày không tiếng súng”.
PV