Nghề cào nghêu ở Đầm Nại.
Sáng sớm, thôn xóm quanh Đầm Nại trở nên nhộn nhịp người mua, kẻ bán tôm cá tươi chong được đánh bắt từ đầm. Hàng trăm chiếc sỏng thả câu, giăng lưới, đặt lờ cặp bến với các loài đặc sản như cá dìa, tôm, ghẹ…Hải sản vùng Đầm Nại nổi tiếng thơm ngon cung cấp chủ yếu cho các nhà hàng khu du lịch Ninh Chử- Bình Sơn và Tp. Phan Rang- Tháp Chàm. Khi công việc mua bán con tôm, con cá vừa xong cũng là lúc con nước ròng, chị em phụ nữ tập trung ven Đầm Nại cào nghêu. Chỉ cần chiếc muỗng nhôm là chị em có thể nhẹ nhàng cào lớp đất cát pha bùn để lộ ra những con nghêu to bằng ngón chân cái. Các cháu học sinh phụ giúp mẹ cào nghêu có thêm thu nhập bảo đảm cuộc sống gia đình. Chị Lê Thị Thanh Hương, ở thôn Tri Thủy 1 cho biết, tranh thủ lúc triều xuống, bà con ra ven Đầm Nại cào nghêu. Mỗi buổi sáng, chị Hương cào được 4-5 kg (khoảng 50 con/kg), bán cho các chủ vựa thu mua với giá 10 ngàn đồng/kg. Nghề cào nghêu giúp gia đình chị Hương có thêm thu nhập nuôi hai con ăn học.
Anh Phan Lộc, Trưởng ban Quản lý thôn Tri Thủy 1 (xã Tri Hải) cho biết, Đầm Nại rộng trên một ngàn mẫu tây giáp với địa bàn 5 xã, thị trấn thuộc huyện Ninh Hải: Khánh Hải, Tri Hải, Phương Hải, Hộ Hải, Tân Hải. Đầm Nại có hàng trăm loài hải sản sinh sống đã đem lại nguồn lợi kinh tế cho người dân quanh vùng qua hơn 200 năm lập làng. Nhiều gia đình có 3-4 đời gắn bó với nghề cào nghêu, bắt ốc vùng Đầm Nại nuôi con học hành thành đạt. Riêng thôn Tri Thủy 1 đã có khoảng 100 gia đình mưu sinh từ nghề cào nghêu và đánh bắt hải sản tự nhiên trên Đầm Nại, chiếm 15% số hộ ở khu dân cư. Hiện nay, toàn thôn còn 32 hộ nghèo do già yếu neo đơn, thiếu lao động.
“Bà con sinh sống quanh Đầm Nại lo ngại trước thực trạng con nghêu, con ốc ngày càng thưa thớt dần. Tình trạng sử dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp và xung điện khai thác hải sản hủy diệt môi trường Đầm Nại đang diễn ra phổ biến. Trong tương lai không xa, nghề cào nghêu và những món ngon chế biến từ nghêu có thể chỉ còn là ký ức”, anh Phan Lộc nuối tiếc.
Sơn Ngọc