Ngày xưa, bài học vỡ lòng của chuyện tử tế là phải biết kính trên, nhường dưới, phải biết ngã mũ, nghiêm cẩn khi gặp đám ma đi qua như là sự tiễn biệt ít ra cũng là “đồng loại” về thế giới bên kia; gặp người lớn tuổi thì giúp đỡ, gặp người nhỏ tuổi hơn mình thì nhường nhịn, bạn bè thì sống thủy chung, trung thực; đối với gia đình, người thân thì sống trách nhiệm, thương yêu đùm bọc nhau… Sự tử tế này còn được “tổng kết” thành ca dao: “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”…
Báo Ninh Thuận, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và Công ty BHNT Prudential Việt Nam tặng quà cho bệnh nhân nghèo.
Có người nhận xét rằng: Xã hội ngày càng phát triển bao nhiêu thì giá trị đạo đức… lại không đi thuận chiều. Thậm chí có không ít người tỏ ra lo ngại về sự “băng hoại” đạo đức trong quan hệ, ứng xử và dường như ngày càng thiếu vắng lời xin lỗi khi mình sai, cảm ơn khi được giúp đỡ mà thay vào đó là những cái “lườm mắt” thiếu thiện cảm, hoặc phát ra những ngôn từ thô tục, ngay cả trong giới “nam thanh, nữ tú” thuộc diện “cổ cồn trắng” hẳn hoi!. Có dịp tìm hiểu thì hầu hết đều biện minh: Ngôn ngữ tuổi trẻ, thói quen… Có người còn lập luận rằng đây là ngôn ngữ “tiên tiến” mà giới trẻ chấp nhận trong giao tiếp!. Thảo nào, nếu ai đó thử vào Facebook sẽ thấy ngôn ngữ trao đổi của tuổi trẻ khó hiểu chẳng khác nào như người ở hành tinh khác vậy. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhan nhãn hàng ngày là những vụ việc đâm chém nhau dẫn đến hậu quả nghiêm trọng chỉ từ những việc đâu đâu. Ví như, trong quán ăn chỉ nhìn nhau cũng gây mâu thuẫn, trên xe công cộng lỡ dậm chân nhau thay vì xin lỗi thì lại hàm hồ dung tục bất kể người lớn hay bé. Lại chuyện hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau nhưng vì xích mích nhỏ cũng chém nhau đến chết. Hay trong công viên, bệnh viện nhiều cảnh tượng thật khó diễn tả bằng ngôn từ… “tử tế” được.
Nguyên nhân của mọi nguyên nhân đều bắt nguồn từ giáo dục mà ra. Cả trong nhà trường, trong gia đình và xã hội, nhất là giáo dục về đạo đức sống, về lòng tin yêu và tự trọng, biết chia sẻ và tha thứ, biết sống vì mọi người trước khi vì mình. Câu chuyện tử tế tuy không đến nỗi sẽ dần đi vào “cổ tích” như một số người lo ngại bởi lẽ trong đời sống vẫn còn rất nhiều hình ảnh đẹp, đó là những tấm lòng nhân ái giúp đỡ người nghèo khó, “sa cơ lỡ vận”, những hình ảnh cảm động về “chia ngọt, xẻ bùi” trong cùng hoàn cảnh… Thế nhưng, nếu không có giải pháp chấn chỉnh ngay khi cái “xấu” đã trở nên phổ biến thì ắt sẽ chiếm ưu thế và đến lúc đó thì “chuyện tử tế” sẽ là “cổ tích” không xa.
Tuấn Dũng