Sáng chế nhỏ, lợi ích lớn

Trăn trở trước những khó khăn của ngư dân, ba chàng trai trẻ ở làng chài Nại Hiên Đông (Sơn Trà, Đà Nẵng) đã chế tạo chiếc máy thu câu nhằm tiết kiệm thời gian, công sức lao động và chi phí đi biển.

Đó là sáng kiến của các anh Lê Văn Hoàng (1986), Phan Thành Nhân (1986) và Nguyễn Văn Xuân (1984) đang làm việc tại cơ sở cơ khí nhỏ ở tổ 159, phường Nại Hiên Đông, Sơn Trà, Đà Nẵng.

Chiếc máy thu câu do 3 thanh niên Đà Nẵng chế tạo. Ảnh: VGP/Thế Phong

Sinh ra vào lớn lên trong những gia đình làm nghề đi biển, Hoàng, Nhân và Xuân thấu hiểu hơn ai hết những vất vả phải kéo một vàng câu bằng tay không. Với nghề lưới câu, một vàng câu chưa có máy tời thu câu có từ 5.000 - 10.000 lưỡi câu với chiều dài từ 10 - 20 hải lý. Do đó, thời gian thu câu phải mất từ 8 - 10 giờ và cần đến 4 lao động.

Đây là một công việc rất nặng học, đòi hỏi nhiều sức lực nên chỉ những ngư dân khỏe mạnh nhất mới có thể đảm nhậm. Hơn nữa, việc kéo lưới bằng tay không có thể gây trầy xước, chảy máu tay nên dễ bị nhiễm trùng, ảnh hưởng tới sức khỏe người lao động.

Những hạn chế kể trên làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất của mỗi chuyến đi biển. Từ những trăn trở đó, Hoàng và hai người bạn của anh đã chế tạo ra chiếc máy tời thu câu để áp dụng trong thực tế.

Để ý tưởng trở thành hiện thực, các anh Hoàng, Nhân và Xuân đã góp kinh phí mua vật liệu, tự mày mò nghiên cứu nguyên lý hoạt động, thiết kế kiểu dáng của máy thu câu. Tuy vậy, phải sau hai năm chuẩn bị, đến tháng 6/2014, chiếc máy tời thu câu đầu tiên chạy bằng động cơ điện mới được lắp ráp xong và đưa vào thử nghiệm, áp dụng cho nghề câu cá lạc, cá hố…

Ngư dân đầu tiên được ứng dụng máy tời thu câu này là ông Phạm Văn Lên (phường Nại Hiên Đông), chủ tàu cá ĐNa 37106 TS làm nghề câu cá lạc và cá hố. Vàng câu của ông có 7.000 lưỡi câu và dài khoảng 11 hải lí.

Sau khi sử dụng khoảng 6 tháng, ông Lên nhận thấy thời gian kéo vàng câu tiết kiệm được từ 2,5 giờ - 3 giờ đồng hồ và rất nhiều công sức lao động cho thuyền viên. Thay vì cần nhiều người kéo vàng câu, bây giờ chỉ cần 1 người đứng điều khiển máy thu câu. Nhờ vậy việc phân công lao động trên tàu trở nên nhẹ nhàng hơn trong quá trình thu hoạch sản phẩm.

Dù chiếc máy đầu tiên được thử nghiệm khá thành công nhưng nhóm thanh niên này chưa cảm thấy hài lòng. Bởi máy còn khá nặng (90kg), sử dụng nguồn điện trên tàu chưa được ổn định và một số bộ phận bố trí chưa thích hợp…

Hoàng cùng hai bạn tiếp tục cho ra đời chiếc máy thu câu thứ 2 ưu việt hơn máy thứ nhất với tổng khối lượng chỉ còn 45kg, vận hành ổn định hơn do chạy bằng thủy lực, có thêm bộ phận điều khiển thu nhanh, chậm.

Hoàng cho biết, chi phí lắp đặt 1 chiếc máy thu câu này vào khoảng 30 - 35 triệu đồng. Sản phẩm này đã được nhiều chủ tàu quan tâm và đặt hàng.

Theo Trung tâm Khuyến Ngư nông lâm Đà Nẵng, trên địa bàn Thành phố có gần 150 chiếc tàu làm nghề câu vàng tầng. Chiếc máy thu câu vàng do nhóm thanh niên này chế tạo sẽ góp phần tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức lao động và chi phí cho mỗi chuyến ra khơi, đặc biệt là trên tàu khai thác xa bờ.

Hiện tại, sản phẩm này đang được Hoàng cùng hai người bạn làm hồ sơ tham dự Cuộc thi sáng kiến kỹ thuật tại Văn phòng đại diện của Cục Sở hữu Trí tuệ tại Đà Nẵng.

Nguồn www.chinhphu.vn