Điều thật đáng lên án là không phải dạy bảo theo kiểu “thương cho roi cho vọt” mà đằng này ông Đồng đã quá “mạnh tay” chẳng khác nào tra khảo dẫn đến thương tích nặng cho 2 chú tiểu. Thương tích ngoài da có thể lành nhưng đối với 2 chú tiểu “trẻ con” từ 8 đến 10 tuổi này “thương tích” trong tâm hồn sẽ trở thành “vết sẹo” không thể phai mờ. Thật khó hiểu, đã là người tu hành thì bao giờ “tâm” cũng hướng thiện, “đức” được tích tụ và bằng chính tâm, đức bởi lòng thành, tích thiện đó có thể cảm hóa người khác kể cả người lầm lỗi. Vậy mà với ông Đồng thì ngược lại. Có lẽ ông đã quên câu "Thiện giả thiện lai, ác giả ác báo” mất rồi!.
Thương tích trên người chú tiểu Lê Văn Nui. Ảnh: Anh Tuấn
Có người cho rằng, vụ việc trên như “giọt nước” làm tràn ly về nạn ngược đãi trẻ em!. Thực ra, trong đời sống xã hội chưa đến mức như vậy, nhưng qua thông tin báo chí cho thấy lối hành xử đối với trẻ em ngày càng dã man như đốt con, giết con, bắt con lau nhà bằng… lưỡi bởi những lỗi rất… “trẻ con” mà nguyên nhân chủ yếu do thiếu chăm sóc, giáo dục của các bậc làm cha, làm mẹ mà ra. Không đâu xa, trên địa bàn thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tình trạng trẻ em bị cha mẹ bắt buộc đi bán vé số khá phổ biến. Trong số này có trẻ chỉ mới học lớp 1, lớp 2. Đáng trách hơn là trong số “các bậc” cha mẹ này chỉ ở nhà, cha thì rượu chè, mẹ cờ bạc và để có tiền buộc các con mình phải kiếm đủ tiền hàng ngày nếu không sẽ “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” ngay không thương tiếc. Trẻ em buộc phải ăn xin để về “nuôi” cha mẹ “bất thiện” trong cảnh “nhàn cư” cũng thường xảy ra. Chính từ chỗ thiếu trách nhiệm với con cái này đã vô hình trung “đẩy” trẻ em sớm vào đời với nhiều cạm bẫy và tiếp thu các thói xấu. Rõ ràng, lằn ranh giữa sự lành mạnh với tệ nạn xã hội đối với các em rất “chông chênh” và theo lẽ tâm lý thường tình thì “con đường xấu” luôn mở ra trước mắt nếu thiếu sự giáo dục đầy đủ từ nhà trường, sự quan tâm của các ngành chức năng và xã hội nói chung. Thực trạng cũng cần đặt ra đó là cách dạy con quá đáng của một số gia đình. Không thiếu những hình ảnh thường thấy trẻ em bị đòn roi khi phạm lỗi dù không đáng… đánh. Đáng trách là thiếu sự can thiệp của láng giềng đến những người có trách nhiệm của địa phương bởi xem việc “đòn roi” trong dạy con là… “chuyện thường ngày”. Đó là chưa đề cập đến nạn trẻ em bị xâm hại tình dục do thiếu sự bảo vệ của người lớn và nhiều nguyên do khác.
Bác Hồ kính yêu đã dạy: “Trẻ em như búp trên cành”, và để từ búp thành chồi non cần nâng niu, chăm sóc kỹ lưỡng. Do vậy, thiết nghĩ các bậc làm cha mẹ cần “soi rọi ” lại mình để nuôi dưỡng cả đời sống lẫn tâm hồn, giúp trẻ em phát triển lành mạnh. Song song với đó cần lên án và xử lý nghiêm khắc các hành vi bạo hành, hâm hại trẻ em, vi phạm quyền trẻ em. Bởi lẽ, bạo hành trẻ em không chỉ gây thương tích về mặt thể xác mà còn gây ra sự "sang chấn" rất mạnh về mặt tinh thần. Đây là tổn thương tuy không giám định, đo đếm được song lại ảnh hưởng rất nặng nề trong suốt cuộc đời.
Bảo vệ trẻ em khỏi tình trạng bạo hành, lạm dụng... là vấn đề không còn của riêng ai mà là trách nhiệm chung của cộng đồng và của toàn xã hội.
Hạ Huyền