Đây là một trong những nội dung quan trọng của Việt Nam trong thực hiện Chiến dịch phòng, chống HIV/AIDS toàn cầu giai đoạn 2011-2015 của Liên hợp quốc, với chủ đề “Hướng tới mục tiêu 3 không”: không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS.
Sự kỳ thị, phân biệt đối xử là nguyên nhân lớn nhất cản trở việc đến trường của nhiều em nhỏ mắc HIV, dù các em không mang lại nguy cơ lây nhiễm nào cho các thầy cô và bạn học. Sự kỳ thị, phân biệt đối xử cũng đã đẩy người nhiễm HIV đến chỗ thất nghiệp, và đôi khi phải rời bỏ nơi ở, dù bản thân họ không phải là nguy cơ lây nhiễm HIV cho đồng nghiệp và hàng xóm. Còn những người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao nhất – người tiêm chích ma túy, người bán dâm và nam tình dục đồng giới thì bị chính người thân và cộng đồng hắt hủi, bị xã hội xa lánh, bị đẩy vào tình thế không người giúp đỡ, khiến họ không có cơ hội tiếp cận các chương trình dự phòng lây nhiễm HIV.
Sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS có nhiều nguyên nhân. Trước đây, khi các hoạt động truyền thông thường gắn hình ảnh người nhiễm HIV/AIDS với những cơ thể ốm yếu, lở loét, hình đầu lâu – xương chéo đã khiến nhiều người sợ hãi. Sự liên hệ giữa HIV/AIDS với các tệ nạn xã hội (mại dâm, ma túy, tội phạm,…) vô tình làm cho không ít người đồng nhất cá nhân mắc “căn bệnh thế kỷ” với cái xấu, cái ác, từ đó nảy sinh sự xa lánh, cô lập với họ. Phần lớn mọi người vẫn nhận thức sai về khả năng làm việc và cống hiến của người nhiễm HIV khi cho rằng họ không còn khả năng lao động và sáng tạo. Trong khi đó, sự kỳ thị còn xuất phát từ chính bản thân người nhiễm HIV/AIDS. Họ nghĩ rằng đó là định mệnh cay nghiệt nên dễ rơi vào tình trạng chán nản, tuyệt vọng, tự cô lập mình với người thân, bạn bè và các tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ điều trị. Đáng buồn hơn, một số trường hợp còn nảy sinh ý định “trả thù đời”, cố tình gây lây nhiễm HIV cho người khác, khiến vấn đề kỳ thị, phân biệt đối xử trở nên phức tạp hơn rất nhiều.
Tính đến hết tháng 9-2014, toàn tỉnh có 238 trường hợp nhiễm HIV, trong đó, số bệnh nhân AIDS là 81 người. Hiện có 99 trường hợp đang điều trị bằng thuốc kháng vi rút HIV, trong đó có 9 trẻ em. Để huy động sự chung tay của cả cộng đồng trong việc phòng, chống HIV/AIDS, năm 2013, phường Mỹ Hương (Tp.Phan Rang – Tháp Chàm) đã triển khai thực hiện mô hình điểm “Phong trào toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại địa bàn dân cư”. Địa phương đã xây dựng 2 nhóm nòng cốt tại khu phố 1 và khu phố 3, với 6 thành viên/nhóm. Cùng với hoạt động tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân thông qua nhiều hình thức sinh hoạt như cuộc thi tìm hiểu, mở lớp tập huấn kiến thức, tuyên truyền lưu động, cấp phát tài liệu và bao cao su,… đơn vị còn phối hợp với Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tổ chức ký cam kết với 500 hộ dân và 40 cơ quan đóng trên địa bàn. Với những kết quả tích cực đã đạt được ở phường Mỹ Hương, trong năm 2014, mô hình này được nhân rộng trên tất cả các xã, phường của Tp.Phan Rang – Tháp Chàm.
Ông Phạm Trọng Hoàng Vinh, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS cho biết: Với mục tiêu hướng đến xóa bỏ sự kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS, việc tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng được xem là biện pháp cơ bản nhất. Nội dung tuyên truyền phải tập trung giải thích rõ khả năng lây truyền của HIV, đặc biệt nhấn mạnh rằng HIV không lây truyền qua con đường tiếp xúc thông thường. Bên cạnh đó, cần phổ biến các quy định pháp luật về chống kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS. Trung tâm cũng mở rộng các hoạt động tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị và giúp đỡ người nhiễm có nhiều cơ hội để làm việc, hòa nhập cộng đồng và tham gia trực tiếp vào các chiến dịch phòng, chống HIV/AIDS. Trung tâm cũng phối hợp tổ chức mit-tinh hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2014 và triển khai phòng, chống HIV/AIDS nơi làm việc tại Trường THPT Nguyễn Trãi.
Hướng tới xóa bỏ sự kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS là một hành trình dài đòi hỏi sự quyết tâm và nỗ lực của ngành chức năng, bản thân người nhiễm và đặc biệt là sự chia sẻ, cảm thông của cả cộng đồng, cùng xây dựng môi trường sống thân thiện, yêu thương cho tất cả mọi người.
Bảo Bình