Hình thức truyền thông tư vấn trực tiếp góp phần nâng cao nhận thức người dân.
Dân số huyện Ninh Sơn có trên 75.380 người, trong đó số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 15-49 tuổi gần 13.200 người, trình độ dân trí không đồng đều, nên nhận thức về thực hiện các biện pháp tránh thai (BPTT) còn hạn chế. Trước tình hình đó, Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện chủ động phối hợp với các hội, đoàn thể địa phương thành lập các tổ, nhóm, câu lạc bộ với hình thức đa dạng như: CLB “Không sinh con thứ 3” của Hội phụ nữ; CLB “Chăm sóc sức khỏe vị thành niên” của Đoàn thanh niên, …Với tinh thần tự nguyện, các mô hình sinh hoạt đều đặn cung cấp nhiều nội dung thiết thực như: Làm mẹ an toàn, kiến thức chăm sóc SKSS, chăm sóc sức khỏe thai phụ trước sinh…Từ đầu năm đến nay, huyện tổ chức gần 40 buổi tuyên truyền về dân số lồng ghép trong các buổi sinh hoạt của với các hội như: Nông dân, Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Công đoàn…Ngoài ra, bằng hình thức tư vấn trực tiếp tại hộ gia đình, nâng cao nhận thức người dân thực hiện các BPTT… thu hút hàng ngàn người tham gia.
Nhằm nâng cao kiến thức SKSS trong độ tuổi vị thành niên, Trung tâm Dân số-KHHGĐ thường xuyên phối hợp với các trường học trên địa bàn tổ chức tuyên truyền, tư vấn cung cấp kiến thức về giới tính tuổi mới lớn. Vừa qua, huyện đã tổ chức 2 buổi tư vấn cho hơn 80 học sinh khối 9, thuộc hai trường THCS Hoàng Hoa Thám (xã Hòa Sơn) và THCS Phan Đình Phùng (xã Ma Nới). Cùng với truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, trong nhóm nhỏ, tư vấn hộ gia đình, Trung tâm còn phối hợp với Đài Truyền thanh huyện tổ chức phát sóng các tin, bài về dân số trên hệ thống loa phát thanh xã, thôn. Đội ngũ công tác viên (CTV) dân số tổ chức cấp phát 706 tài liệu truyền thông, treo băng-rôn, khẩu hiệu tuyên truyền ở mỗi xã, góp phần mở rộng độ bao phủ tới nhiều tầng lớp nhân dân. Chị Hoàng Thị Hiệp, Giám đốc Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện Ninh Sơn cho biết: Nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền, đội ngũ CTV luôn đổi mới công tác truyền thông, đa đạng về phương pháp và cách thức tổ chức tuyên truyền phù hợp với tâm lý, phong tục tập quán của người dân từng vùng, qua đó tạo chuyển biến tích cực trong công tác dân số, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
Nhờ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, công tác dân số trên địa bàn huyện đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Toàn huyện có 5.638 người sử dụng các BPTT, đạt 94 % kế hoạch năm. Tỷ lệ sinh con thứ 3 là 15,5 %, giảm 1% so với năm 2013; tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên giảm còn 1,1%.
Mỹ Dung