Nông dân huyện Ninh Phước thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp. Ảnh: Văn Miên
Đồng chí Nguyễn Thị Luyện, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Xác định sản xuất nông nghiệp có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội địa phương, ngoài việc quy hoạch các vùng chuyên canh về trồng nho, táo, lúa giống với diện tích gần 120.000 ha (gồm: 334,3 ha cây nho, 718 ha cây táo và 140 ha lúa giống xác nhận), Ninh Phước còn triển khai các mô hình sản xuất mới như: "1 phải, 5 giảm” trên cây lúa, "Liên kết bốn nhà" trong sản xuất gạo sạch, mô hình “Trồng táo kết hợp nuôi dê vỗ béo”, “Trồng táo theo hướng VietGAP”, “Trồng rau an toàn”..., trên cơ sở áp dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật mới vào sản xuất. Qua kết quả thu hoạch, cho thấy các mô hình trên đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người nông dân. Trong đó, điển hình nhất là mô hình "1 phải, 5 giảm" từ 136 ha trong vụ hè-thu năm 2012, đến nay đã tăng lên trên 3.437 ha, năng suất bình quân đạt 76 tạ/ha, cá biệt có hộ năng suất đạt rất cao từ 80-90 tạ/ha, lợi nhuận thu được tăng thêm 7,3 triệu đồng/ha so với tập quán sản xuất cũ.
Điểm nhấn trong phát triển kinh tế ở huyện Ninh Phước hiện nay, đó là không chỉ biết hướng nông dân sản xuất các loại cây trồng phù hợp với từng loại đất để vừa đảm bảo kinh tế, vừa tiết kiệm nước, mà còn rất linh hoạt trong việc vận dụng các cơ chế, chính sách để khuyến khích các thành phần kinh tế trên địa bàn chủ động liên doanh, liên kết thành các hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác (THT) để mở rộng ngành nghề sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả.
Đồng chí Thiên Nhàn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện cho biết: Toàn huyện hiện có 28 HTX hoạt động theo Luật HTX, 151 mô hình trang trại (trong đó có 8 trang trại theo tiêu chí mới) và 70 THT đang hoạt động. Điều đáng mừng là hầu hết các HTX, THT đều thực hiện tốt việc cơ giới hóa khâu làm đất, thu hoạch, phối hợp chuyển giao khoa học-kỹ thuật, quy trình thâm canh, bảo vệ thực vật và triển khai các điểm trình diễn mới, để nông dân có điều kiện tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm.
Phát triển trồng nho sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Văn Miên
Ngoài tiềm năng về nông nghiệp, huyện Ninh Phước còn được biết đến là địa phương có thế mạnh trong sản xuất giống thủy sản và tôm thương phẩm. Để khai thác thế mạnh này, Ninh Phước đang tiến hành quy hoạch, sắp xếp lại diện tích nuôi tôm thương phẩm và khu vực sản xuất tôm pots ở vùng chuyên canh An Hải - Phước Hải. Trong năm 2014, toàn huyện thả nuôi được 157 ha tôm thịt, tăng 0,6% so với cùng kỳ; sản lượng đạt 1.832 tấn, vượt 29% so với kế hoạch. Về sản xuất tôm giống, toàn huyện có 72 trại tôm giống đang hoạt động, trong năm đã xuất bán 10.100 triệu con post. Trước yêu cầu xây dựng nông thôn mới, hiện Ninh Phước đang quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, phát triển hệ thống thủy lợi theo hướng ngày càng kiên cố hóa. Đến nay, toàn huyện đã bê-tông được hơn 8,5 km đường nội đồng, 1.536 km kênh mương nội đồng, với tổng vốn trên 7,1 tỷ đồng (trong đó huy động sức dân được 2,6 tỷ đồng); 8/8 xã, thị trấn đều đã được phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết sản xuất nông nghiệp, 4/8 xã đã phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết điểm dân cư.
Trong lĩnh vực thương mại-dịch vụ, Ninh Phước luôn tạo điều kiện thuận lợi để phát triển một số thương hiệu như: Nho sạch Ba Mọi, vang nho Thiên Thảo, trùn quế Vạn Long, đồng thời khôi phục và phát triển các ngành nghề truyền thống, trong đó đáng chú ý là việc phối hợp Sở Công Thương thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển làng nghề trong đồng bào Chăm.
Chính nhờ những cách làm hiệu quả trên đã góp phần đưa tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế của huyện Ninh Phước trong năm 2014 ước đạt 2.034 tỷ đồng, đưa mức tăng trưởng chung đạt 23,3%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,8%; nâng mức thu nhập bình quân đầu người đến nay đạt 20,1 triệu đồng/người/năm. Đây chính là cơ sở quan trọng để huyện Ninh Phước tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong những năm tới, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp của huyện có tốc độ phát triển nhanh và bền vững theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2011 – 2015 đã đề ra.
Văn Thanh