Trong vai người đi mua hàng trả góp, chúng tôi đến một cửa hàng buôn bán thiết bị điện tử trên đường Thống Nhất (Tp.Phan Rang – Tháp Chàm). Sau khi chọn 1 máy tính xách tay giá 12 triệu đồng, chúng tôi được nhân viên Công ty TNHH Thương mại ACS Việt Nam tư vấn trả trước 4 triệu đồng, còn lại trả góp trong 6 tháng. Nhân viên này cũng cho biết, thời gian làm thủ tục chỉ mất khoảng 15 phút, nếu người vay có thẻ Bảo hiểm y tế hoặc hợp đồng lao động. Trường hợp không có các giấy tờ trên vẫn có thể làm hồ sơ, trong vòng 24 giờ, phía công ty sẽ gọi điện thoại cho người vay, hỏi vài câu về công việc là “được”, rồi đến cửa hàng nhận máy tính. Với kiểu “chào mời” quá mau mắn, lanh lẹ như vậy khiến người mua hàng không có thời gian để suy nghĩ, cân nhắc, hay làm các phép tính rõ ràng cho khoảng vay và lãi suất trên hợp đồng.
Chị H.H.N (thị trấn Phước Dân – Ninh Phước) không ngại ngần khi thú nhận rằng chị “tởn” đến già việc mua hàng trả góp. Cuối năm 2013, chị mua 1 máy tính xách tay với giá 8,2 triệu đồng ở một cửa hàng điện tử, trả trước 2,4 triệu đồng. Phía Công ty TNHH Tài chính PPF Việt Nam là bên cho vay, đã hướng dẫn chị làm thủ tục tín dụng cá nhân, trả góp trong 1 năm, mỗi tháng trả 766.000 đồng. Điều này đồng nghĩa với việc sau 12 tháng, tổng số tiền chị N. trả cho PPF là gần 9,2 triệu đồng. Trong đó, nợ gốc là 5,8 triệu đồng, tiền lãi vay là gần 3,4 triệu đồng, tức lãi suất vay trên 58%/năm.
Thay vì tính lãi suất trên dư nợ thực tế, tức là dư nợ giảm dần sau mỗi kỳ trả (bao gồm 1 phần nợ gốc và lãi vay), thì các đơn vị lại tính lãi trên dư nợ cố định ban đầu. Dù đây là chiêu thức không mới, nhưng với những người ít am hiểu về tài chính, hoặc vì đang bị “lấn át” bởi nhu cầu mua sắm nên ít cân nhắc lãi suất vay nợ, dẫn đến việc phải chịu mức lãi quá cao, đôi khi lên đến 70-80%/năm. Thêm vào đó, các đơn vị này cũng chỉ tư vấn số tiền phải trả trong 1 tháng, né tránh đề cập đến lãi suất cho vay, đặc biệt là lãi suất năm.
Bà Võ Thị Nhàn, Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Ninh Thuận) cho biết: Hiện tại, trên địa bàn tỉnh ta có 4 công ty tài chính tiêu dùng. Các đơn vị này cho khách hàng vay tiêu dùng theo phương thức trả góp trên sản phẩm với lãi suất cao gấp nhiều lần lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại. Có công ty còn biến tướng hoạt động này thành việc thỏa thuận riêng giữa bên mua và bên bán về khoản tiền trả góp, chứ công ty không làm hợp đồng tín dụng. Chúng tôi đã tổng hợp các thông tin, gửi phản ảnh cho Ngân hàng Nhà nước Trung ương để sớm có văn bản chấn chỉnh, xử lý. Bà Nhàn cũng cho biết thêm, tình trạng này xảy ra ở rất nhiều tỉnh, thành khác và đều có phản ánh về Trung ương.
Người dân khi có nhu cầu về tín dụng tiêu dùng cá nhân thông qua việc mua hàng trả góp cần cân nhắc kỹ, có thể tham khảo mức lãi suất và hình thức tính lãi của một số ngân hàng, so sánh để đưa ra lựa chọn hợp lý. Đồng thời, khi mua hàng trả góp, cần yêu cầu bên cho vay làm rõ các nội dung trong hợp đồng tín dụng (bao gồm: lãi suất năm, hình thức trả, số tiền phải trả hàng tháng, tổng số tiền cần phải trả) và tính toán kỹ lưỡng so với nhu cầu mua sắm thực tế, tránh để rơi vào tình trạng “há miệng mắc quai”, khi đã ký́ vào hợp đồng phải gánh khoảng nợ với lãi suất cao.
Bảo Bình