Quốc hội thảo luận dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)

Sáng 25/11, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Đa số các đại biểu nhất trí về sự cần thiết sửa đổi cơ bản, toàn diện Bộ luật Dân sự.

Các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Dân sự không chỉ nhằm giải quyết những vấn đề vướng mắc, tồn tại, đáp ứng được các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội mà điều quan trọng hơn là phải phản ánh, bảo vệ và phát huy được giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Việc xây dựng Bộ luật Dân sự trở thành luật chung của hệ thống pháp luật liên quan đến các quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại, góp phần bảo đảm tính ổn định, bền vững của các quan hệ xã hội trên cơ sở kế thừa, phát triển pháp luật dân sự Việt Nam.

 

Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Thành Bộ phát biểu ý kiến. (Ảnh: TTXVN)

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) nêu quan điểm, kết cấu của dự thảo Bộ luật này một số điểm không cần thiết vì có thể gây ra xáo trộn lớn trong hệ thống pháp luật. Đại biểu lấy dẫn chứng, về kết cấu quyền sở hữu, thừa kế tài sản như trong dự thảo đã bị đảo lộn như vậy là không thích hợp, khá rủi ro, đặc biệt là tác động của nó tới hệ thống pháp luật chuyên ngành. Do vậy, đại biểu Vũ Tiến Lộc đề nghị cần phải thiết kế lại kết cấu quyền sở hữu, thừa kế tài sản theo hướng rõ ràng, quen thuộc hơn.

Mặt khác, về vấn đề sử dụng thuật ngữ mới, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho hay, dự thảo Bộ luật đã thay thế nhiều khái niệm đang sử dụng phổ biến, ví dụ “giao dịch dân sự” thay bằng “hành vi pháp lý dân sự”; thay “nghĩa vụ hợp đồng” bằng “trái quyền”. Những khái niệm này chỉ đúng với lý thuyết hàn lâm, nếu thay đổi sẽ làm xáo trộn hệ thống pháp luật tư vốn dựa trên Bộ luật Dân sự hiện hành. Trong khi bản chất của các thuật ngữ này không thay đổi nội hàm. Hơn nữa, sau gần 10 năm thi hành Bộ luật này thì những thuật ngữ không gây vướng mắc, cản trở, do đó đại biểu đề nghị không nên thay đổi.

Về bảo vệ người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu, đại biểu Lù Thị Lừu (Lào Cai) cho ý kiến, theo dự thảo Bộ luật quy định chỉ cần tài sản của người thứ nhất chuyển hợp pháp cho người thứ hai được cơ quan thẩm quyền công nhận thì giao dịch dân sự giữa người nhất và người hai không bị vô hiệu, mặc dù tài sản sở hữu đích thực lại là của người thứ ba. Theo đại biểu, quy định như vậy chưa đảm bảo quyền dân sự của công dân, còn xem nhẹ chủ sở hữu đích thực của người thứ ba, nhất là những đối tượng giao dịch được lưu truyền nhiều đời cũng như việc bảo vệ hành vi trái pháp luật của cá nhân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc đăng ký tài sản là bất động sản hoặc động sản được đăng ký quyền sở hữu.

Do đó, đại biểu Lù Thị Lừu đề nghị, giữ nguyên như luật hiện hành, chỉ sửa đổi khoản 2, điều 138 của Bộ luật Dân sự 2005 như sau: Trong trường hợp tài sản giao dịch là bất động sản hoặc động sản để đăng ký quyền sở hữu đã được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch với người thứ ba vô hiệu trừ trường hợp người thứ ba ngay tình có được tài sản này thông qua bán đấu giá theo đúng quy định của pháp luật, hoặc giao dịch với người mà theo bản án của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản.

Ngoài ra, nhiều đại biểu đồng tình bổ sung quy định về giao dịch dân sự với người thứ ba không bị vô hiệu trong trường hợp giao dịch đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu và tài sản đó đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vì cho rằng việc bổ sung quy định này góp phần giải quyết những vướng mắc phát sinh trên thực tế, bảo đảm tính ổn định, sự an toàn của các giao dịch dân sự trong đời sống.

Nhưng vấn đề đặt ra là, một tài sản hợp pháp được giao dịch công khai, minh bạch, tài sản được thanh toán và chuyển giao theo đúng thỏa thuận nhưng nếu tài sản đó chưa được đăng ký quyền sở hữu thì giao dịch đó sẽ bị vô hiệu và bên thứ ba sẽ không được bảo vệ. Một số đại biểu cho rằng, việc đăng ký quyền sở hữu tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ là một trong những căn cứ pháp lý để xem xét giải quyết khi xảy ra tranh chấp chứ không thể coi là căn cứ duy nhất để xác định bảo vệ hay không bảo vệ người thứ ba ngay tình.

Thảo luận về hình thức sở hữu, dự thảo quy định 2 phương án về hình thức sở hữu: Phương án 1 xác định 3 hình thức sở hữu là sở hữu toàn dân, sở hữu riêng và sở hữu chung; phương án 2 xác định 2 hình thức sở hữu là sở hữu riêng và sở hữu chung; đồng thời ghi nhận hình thức sở hữu đối với tài sản công thuộc sở hữu toàn dân là sở hữu chung hợp nhất do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

Qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành cần sửa đổi quy định về phân loại hình thức sở hữu, bởi vì việc quy định hình thức sở hữu theo cách liệt kê như Bộ luật Dân sự hiện hành không bảo đảm tính ổn định do các chủ thể này luôn thay đổi, biến động theo sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên việc phân loại hình thức sở hữu theo cách nào, có bao nhiêu hình thức sở hữu, hiện có hai loại ý kiến.

Một số ý kiến tán thành với phương án 1 vì cho rằng, nếu chỉ quy định 2 hình thức sở hữu là sở hữu chung và sở hữu riêng là không hợp lý, không thể hiện đầy đủ tính chất "nhiều hình thức sở hữu" của nền kinh tế nhiều thành phần và không bao quát hết các quy định cụ thể về sở hữu trong Hiến pháp (sở hữu toàn dân, sở hữu tư nhân, ...). Theo đại biểu Nguyễn Thành Bộ (Thanh Hóa) phương án 1 thể hiện được đầy đủ, toàn diện các hình thức sở hữu hiện đang tồn tại của nước ta, trong đó có sở hữu pháp nhân nằm trong nội hàm sở hữu chung.

Một số ý kiến đề nghị chỉ có 2 hình thức sở hữu là sở hữu chung và sở hữu riêng. Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, chúng ta có sở hữu toàn dân như hình thức sở hữu chung mà Hiến pháp đã ghi. Sở hữu chung chính là sở hữu quốc gia, đại diện là Nhà nước. Đối với chủ thể sở hữu, đại biểu cũng đề nghị nên sử dụng hai chủ thể rõ ràng là pháp nhân, thể nhân./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam