Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự. (Ảnh: VPQH)
Theo đó, Luật này quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục thi hành bản án, quyết định dân sự, hình phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, xử lý vật chứng, tài sản, án phí và quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự, phần tài sản trong bản án, quyết định hành chính của Toà án, quyết định của Tòa án giải quyết phá sản, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có liên quan đến tài sản của bên phải thi hành án của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh và phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại; hệ thống tổ chức thi hành án dân sự và Chấp hành viên; quyền, nghĩa vụ của người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thi hành án dân sự.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2015.
Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quy định chi tiết thi hành các điều, khoản được giao trong Luật này.
Trước đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Thi hành án dân sự.
Về yêu cầu thi hành án, đại biểu Quốc hội có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất, tán thành với quy định của dự thảo Luật giữ quy định 2 cơ chế ra quyết định thi hành án: cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án và ra quyết định thi hành án theo yêu cầu; Loại ý kiến thứ hai, đề nghị bỏ quy định về đơn yêu cầu thi hành án.
Giải trình vấn đề này, UBTVQH nhận thấy, quy định về cơ chế ra quyết định thi hành án là một trong những vấn đề quan trọng của Luật này. Vì vậy, mặc dù UBTVQH đã giải trình đầy đủ, Chính phủ cũng đã có văn bản kiến nghị cho giữ như quy định hiện hành, nhưng để bảo đảm sự thận trọng, UBTVQH đã chỉ đạo Đoàn thư ký kỳ họp lấy ý kiến đại biểu bằng phiếu về cả hai phương án.
Tuy nhiên, ý kiến của đại biểu về phương án “bỏ quy định về đơn yêu cầu thi hành án” chưa có sự đồng thuận cao, cụ thể: có 309/497 đại biểu cho ý kiến (299 phiếu hợp lệ), trong đó, có 119 phiếu (23,9%) tán thành với loại ý kiến thứ nhất; 169 phiếu (34%) tán thành với loại ý kiến thứ hai. Thực tiễn cũng cho thấy, cơ chế ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu đã bảo đảm nguyên tắc tự định đoạt, thỏa thuận, tự nguyện của đương sự trong giải quyết các quan hệ dân sự. Hiệu quả hạn chế trong thi hành án dân sự hiện nay chủ yếu do thực thi, không phải do vướng mắc từ quy định này. Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về yêu cầu thi hành án như dự thảo Luật.
Về miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước có ý kiến đề nghị không quy định việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước để bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật; có ý kiến tán thành nhưng đề nghị chỉnh lý về kỹ thuật văn bản.
Giải trình vấn đề này, UBTVQH nhận thấy, theo nguyên tắc của Bộ luật Hình sự, các hình phạt (gồm cả hình phạt tiền) đều được xem xét miễn, giảm. Việc duy trì cơ chế xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước (chủ yếu là hình phạt tiền) nhằm cụ thể hóa chính sách nhân đạo và thực hiện chính sách hình sự của Nhà nước ta. Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước. Đồng thời, tiếp thu ý kiến đại biểu, UBTVQH đã chỉnh lý lại bảo đảm chặt chẽ hơn.
Có ý kiến đề nghị bổ sung trường hợp “người phải thi hành án đang chấp hành án phạt tù” và trường hợp “không xác định được địa chỉ của người phải thi hành án” vào diện được xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án.
UBTVQH nhận thấy, việc không quy định các trường hợp nêu trên vào diện đối tượng được xét miễn, giảm thi hành án đã được nhiều đại biểu tán thành và UBTVQH đã giải trình cụ thể tại các báo cáo trình Quốc hội. Vì vậy, UBTVQH đề nghị cho giữ quy định như dự thảo Luật./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam