Học sinh với những câu chuyện “học thêm”

(NTO) Học thêm là hoạt động cần thiết nhằm góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho học sinh. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà dạy thêm, học thêm (DTHT) cũng đang trở thành áp lực và phản tác dụng với nhiều học sinh hiện nay.

Không có gì bất ngờ khi tất cả các học sinh THCS, THPT trên địa bàn Tp. Phan Rang-Tháp Chàm khi được hỏi đều trả lời là có đi học thêm. Thậm chí, nhiều em học 1 tuần đến 18 buổi cho 6 môn. Như vậy, trừ thời gian học chính khóa trên lớp, thời gian trong ngày phải dành để “chạy show” học thêm. Em T.P.M. học sinh Trường THCS Lý Tự Trọng, Tp. Phan Rang- Tháp Chàm, cho biết “Hiện em đang học thêm 6 môn: Toán, Văn, Anh, Hóa, Lý, Sinh. Mỗi môn học 3 buổi/tuần, mỗi buổi khoảng 2 tiếng đồng hồ”. Một học sinh khác của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn thì chia sẻ: “Lớp em bạn nào cũng đi học thêm, riêng em đang học 4 môn Toán, Anh, Vật lý, Hóa học. Thật ra em cũng chỉ muốn học 2 môn thuộc khối ngành mà em định thi đại học thôi nhưng vì 2 môn Vật lý và Hóa học em hơi yếu nên muốn học thêm cho giỏi, có bảng điểm đẹp để khỏi bị ra lớp chuyên, sau này lại có nhiều cơ hội hơn nếu xét tuyển vào đại học”.

 
Học sinh Trường TH Mỹ Hương (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) đến lớp. Ảnh: V.M

Rõ ràng, chương trình học quá nặng, cộng với áp lực về thành tích học tập đang đè nặng lên vai học sinh và cũng là sợi dây vô hình kéo các em đến với các lớp học thêm. Rất nhiều học sinh chia sẻ rằng, thầy cô giáo bộ môn nào cũng muốn chúng em học giỏi môn của họ, trong khi ba mẹ lại muốn con mình phải giỏi đều các môn. Môn em thích học thì muốn học thêm cho giỏi, môn học yếu lại càng muốn học để khỏi bị tụt lại so với bạn bè, vậy là môn nào cũng cần phải học thêm. Em Hà Kiều Phương Dung, học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, chia sẻ “Em thấy học sinh bây giờ gần như phải “học 1, thi 10”. Thời gian trên lớp chỉ đủ để thầy cô giảng lý thuyết và giải đáp những bài tập cơ bản (đủ để đạt điểm trung bình), trong khi các đề thi thì hầu hết đều có đủ các dạng bài tập với mức độ khó, dễ khác nhau. Nếu chỉ tự học mà không học thêm ở thầy cô giáo thì chúng em khó mà học giỏi được”. Một điều đáng mừng là đa số học sinh khi được hỏi đều cho biết các lớp học thêm đang theo học đều đảm bảo cơ sở vật chất, giáo viên nhiệt tình, tâm huyết. Em Trần Đình Trọng, học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi, cho biết, “Em không hề lo ngại về những tiêu cực DTHT như ở nhiều địa phương khác mà báo chí đã phản ảnh. Ở lớp em đang học thêm, thầy cô còn động viên những bạn có hoàn cảnh khó khăn đến học mà không thu tiền”. Em Vũ Quang Thành, học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cũng khẳng định “Khi học thêm, chúng em đều chọn những thầy, cô mà mình thấy phương pháp dạy dễ hiểu, phù hợp với lực học mình nhất. Vì ở lớp học thêm, em muốn được nâng cao kiến thức, được thầy cô hướng dẫn thực hành bài tập nhiều hơn”.

Những lớp học thêm được các em nhắc đến ở trên đã thực hiện theo đúng tinh thần tại Quyết định số 62/2012/QĐ-UBND ngày 22-10-2012 của UBND tỉnh “Ban hành Quy định về DTHT trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận”. Tuy nhiên, thực tế ở tỉnh ta hiện nay, vẫn còn nhiều lớp học thêm, đặc biệt ở cấp THCS mang tính ép buộc học sinh. Chính các thầy, cô giáo khi được hỏi cũng thừa nhận là hiện nay vẫn còn những tiêu cực trong DTHT và vẫn không ít cơ sở DTHT ngoài trường học không tuân thủ theo đúng những quy định của UBND tỉnh. Kết quả thanh tra gần đây nhất (tháng 4-2014) của Thanh tra Sở GD&ĐT tại các điểm DTHT ngoài nhà trường trên địa bàn Tp. Phan Rang- Tháp Chàm cho thấy, có 4/17 cơ sở được thanh tra không có giấy phép dạy thêm, 2 giáo viên dạy trước chương trình chính khóa, một số giáo viên vẫn dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh dạy chính khóa của mình khi chưa được sự đồng ý của thủ trưởng cơ quan quản lý… Đặc biệt, 17/17 cơ sở dạy thêm đều thực hiện việc thu và quản lý tiền học thêm sai quy định. DTHT là nhu cầu chính đáng, nhưng để hoạt động này đạt được mục đích như vốn có của nó thì người được cấp giấy phép DTHT cần phải thực hiện đầy đủ, đúng quy định hiện hành về việc tổ chức các nhóm, lớp DTHT. Vì quyền lợi của chính con em mình, các tổ chức đoàn thể, xã hội và phụ huynh cũng cần tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát hoạt động DTHT, kịp thời phát hiện và phản ảnh các sai phạm với các cơ quan chức năng.