SEQAP được triển khai trên địa bàn tỉnh theo lộ trình từ năm 2010-2015, với mục tiêu cải thiện chất lượng tiểu học, góp phần nâng cao kết quả học tập của học sinh (HS), tạo cơ hội học tập bình đẳng trong các nhóm đối tượng có điều kiện kinh tế-xã hội khác nhau.
Với mục tiêu của nhà trường là huy động 100% HS trong độ tuổi tại địa phương đến trường, nhằm giúp học sinh dân tộc thiểu số vượt qua rào cản về ngôn ngữ tiếng Việt, rút ngắn khoảng cách trình độ với HS miền xuôi bằng việc tổ chức bữa cơm trưa vào các ngày học 2 buổi, qua đó nhà trường sẽ khắc phục tình trạng HS bỏ học, giảm thiểu trường hợp lưu ban và nâng dần chất lượng học tập…
Theo quy định chỉ có 40% HS được hỗ trợ bữa ăn trưa, nên nhà trường và Ban đại diện cha mẹ HS cùng nhau xét đối tượng HS được ăn trưa bán trú tại trường gồm HS dân tộc thiểu số, HS nghèo, HS có hoàn cảnh khó khăn nhất được đưa vào danh sách. Với quỹ phúc lợi HS của dự án, nhà trường đã tổ chức nấu ăn, đảm bảo phục vụ số HS tham gia dự án được ăn trưa tại trường 2 buổi/tuần từ năm 2011 đến nay.
Ngoài việc tập trung dạy học đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng các môn học, nhà trường xây dựng kế hoạch dạy học buổi thứ hai, chủ yếu tập trung vào các nội dung: củng cố kiến thức, kỹ năng môn tiếng Việt và Toán, tăng cường công tác bồi dưỡng HS giỏi, phụ đạo HS yếu; tổ chức các hoạt động ngoài giờ như văn nghệ, thể dục thể thao, an toàn giao thông, tai nạn, đuối nước… 100% HS tham gia SEQAP đều thực hiện tốt phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Nhà trường triển khai công tác tự bồi dưỡng, thực hành thao giảng, dự giờ, trao đổi kinh nghiệm tại trường về chất lượng dạy học 2 buổi/ngày và bước đầu tổ chức triển khai có hiệu quả các hoạt động giáo dục ngoài giờ; 100% cán bộ quản lý và giáo viên nhà trường được tập huấn bồi dưỡng đầy đủ, nắm rõ nội dung theo yêu cầu của chương trình SEQAP.
Nhờ học 2 buổi/ngày và được ăn, nghỉ trưa ngay tại trường nên HS tham gia dự án có thêm thời gian dành cho việc học tập, các em có điều kiện nắm vững kiến thức hơn. Nhờ đó, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên, tỷ lệ HS lên lớp thẳng từ 92% năm học 2009-2010 đã tăng lên 97,5% và HS khá giỏi từ 45-50% các năm học trước đã tăng lên 53,4% trong năm học 2013-2014.
Hồ Tùng