Bà Trương Thị Tường Vân, Chuyên viên môn Lịch sử, Sở GD&ĐT, Tổ trưởng Tổ chấm bài dự thi cho biết, đa số các bài dự thi đều có sự đầu tư chu đáo về cả hình thức và nội dung. Nhiều em tự vẽ bìa, in màu, sưu tầm hình ảnh minh họa cho bài thi rất phong phú. Đặc biệt ở cấp THCS, đa số bài dự thi của các em đều viết tay, chữ viết nắn nót, cẩn thận và có sự cắt dán hình ảnh để minh họa, trang trí… rất công phu. Hầu hết các bài dự thi cũng đều trả lời đúng nội dung kiến thức, có liên hệ thực tế và xác định vai trò, trách nhiệm của bản thân trong việc gìn giữ, phát huy truyền thống lịch sử của dân tộc.
Học sinh Trường THCS Phan Đình Phùng (huyện Ninh Phước)
tìm hiểu các danh nhân lịch sử qua hình ảnh trang trí trên hành lang lớp học.
Những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc được đa số học sinh chọn để trình bày “cảm nhận của mình” là khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Cách mạng Tháng Tám, chiến thắng Điện Biên Phủ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975… Nhân vật lịch sử được nhiều học sinh yêu thích nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Những “di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể) của quê hương Ninh Thuận cũng được các em nhắc đến và giới thiệu một cách chi tiết như: tháp Pôklong Girai, bẫy đá Pi-năng-tắc, làng gốm Bàu Trúc… Khi trả lời câu hỏi “cần phải làm gì để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa”, nhiều em đã đưa ra những ý kiến rất hay, sát thực tế như em Lê Ngọc Khuyên, lớp 11 Tiếng Anh, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cho rằng: phải có các chính sách đối với người có công bảo tồn các di sản này, miễn hoặc giảm giá vé tham quan cho người dân địa phương, lồng ghép tổ chức các buổi tham quan, sinh hoạt ngoại khóa giúp học sinh tìm hiểu về các di sản… Câu hỏi số 5: Nêu ý nghĩa của 2 câu thơ: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam” là cơ hội để học sinh được thể hiện tình yêu Lịch sử của mình cũng như bày tỏ những ý kiến đóng góp về cách dạy, cách học bộ môn Lịch sử trong nhà trường hiện nay. Đa số các em đều khẳng định rằng “để người học yêu thích môn Lịch sử” thì vai trò của giáo viên dạy Sử rất quan trọng. Các em muốn thầy cô phải là người có tâm huyết, bài giảng hấp dẫn có lồng ghép những câu chuyện kể về các nhân vật lịch sử mà các em không tìm thấy trong sách giáo khoa. Em Nguyễn Thị Mai Vi, lớp 81, Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (huyện Ninh Phước) còn cho rằng: nên tăng cường tham quan thực tế các địa điểm lịch sử của địa phương, lồng ghép trò chơi trong tiết học. Tổ chức các buổi sinh hoạt, tham quan, tìm hiểu về những nét văn hóa truyền thống của dân tộc như hát dân ca, các điệu múa truyền thống để kiến thức lịch sử đi sâu vào mỗi người. Nên tạo không khí vui tươi cho giờ học Lịch sử thông qua các trò chơi, cuộc thi ngay tại lớp. Định hướng nghề nghiệp cho học sinh theo học môn Lịch sử…Một điều bất ngờ hơn cả là đa số các bài dự thi (cả học sinh THPT và THCS) đều có chung một đề xuất: Nên đưa Lịch sử vào môn thi chính của kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm.
Kết quả cuộc thi cấp tỉnh, Sở GD&ĐT đã chọn và trao giải cho 35 bài dự thi xuất sắc nhất, trong đó có 2 giải Nhất, 3 giải Nhì, 4 giải Ba và 26 giải Khuyến khích, tất cả những bài dự thi đoạt giải sẽ được gửi tham dự cuộc thi cấp quốc gia. Hy vọng rằng, những cuộc thi nhằm khơi dậy và tiếp thêm tình yêu Lịch sử trong mỗi học sinh như thế này sẽ được tiếp tục duy trì và tổ chức nhiều hơn nữa.
Giải Nhất cấp THPT thuộc về em Lê Ngọc Khuyên, lớp 11 Tiếng Anh, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn; giải Nhất cấp THCS: em Nguyễn Thị Mai Vi, lớp 81, Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (huyện Ninh Phước). 3 giải Nhì được trao cho các em: Trần Huỳnh Như Trúc, lớp 71, Trường THCS Trương Văn Ly (huyện Thuận Nam); Nguyễn Thị Thanh Ngân, lớp 12 Toán, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn và Nguyễn Thị Phương Ngân, lớp 11A9, Trường THPT Ninh Hải, huyện Ninh Hải. Hai giải Tập thể cho đơn vị có nhiều bài dự thi đoạt giải và tổ chức cuộc thi tốt nhất được trao cho Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn và THCS Quang Trung (huyện Ninh Sơn).
Bích Thủy