Đổi mới phương pháp dạy và học là bước chuyển mình mạnh mẽ ngay từ đầu năm học
Bắt nhịp được sự chỉ đạo đổi mới thực sự mang tính đột phá, mà rõ ràng nhất là đổi mới công tác thi cử của Bộ GD&ĐT trong năm học vừa qua chính là nền tảng, động lực và niềm tin vững chắc để địa phương tiếp tục có những đột phá mới trong năm học này.
Những thành quả bước đầu
Nhiều Giám đốc Sở GD&ĐT trải lòng trước thềm năm học mới: Ngành Giáo dục địa phương thực hiện tốt hơn kế hoạch và nhiệm vụ năm học 2013 - 2014 là nhờ chủ trương đổi mới căn bản toàn diện giáo dục được triển khai.
Thủ đô Hà Nội vui mừng thông báo trong lễ tổng kết năm học 2013 - 2014 khắc phục tình trạng “trắng” trường, quy mô mạng lưới trường lớp phát triển đa dạng, giữ vững phong độ chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn; Đắk Nông không còn là tỉnh “3 không” về giáo dục với 356 trường sau 10 năm thành lập tỉnh; 98,8% trẻ 5 tuổi của Hà Giang được vui đến trường...; 45,5% trường học tại Thanh Hóa đạt chuẩn quốc gia tính đến cuối năm học 2013 - 2014...
Lào Cai - một tỉnh vùng khó, còn vô vàn khó khăn trong điều kiện dạy học nhưng đã triển khai thành công hàng loạt các mô hình, phương pháp dạy học điển hình của ngành Giáo dục để nhân rộng ra các địa phương trên cả nước, như Mô hình Trường học mới (VNEN), Chương trình dạy Tiếng Việt lớp 1 (Công nghệ giáo dục Tiếng Việt lớp 1)...
Tỉnh miền núi Sơn La tự hào với gương mặt “vàng” Vật lí Ngô Phi Long - trong 2 năm liền đã giành 5 Huy chương tại các kỳ thi quốc tế với 3 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc. Những trường học nông thôn bội thu thủ khoa trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng...
Bắt đầu thu trái ngọt, không còn ngập ngừng đổi mới, năm học này, các địa phương đều xác định đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là một yêu cầu khách quan và cấp thiết.
Trong đó, có đổi mới về tư duy, cơ chế quản lý; về mục tiêu, nội dung phương pháp dạy và học; về đội ngũ nhà giáo; về cơ sở vật chất, trang thiết bị... trong toàn hệ thống.
Cùng chung một mục tiêu
Các địa phương đang nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ năm học theo định hướng
Nghị quyết 29 mà ngành GD triển khai
Xác định nhiệm vụ trọng tâm cho năm học mới, 63 tỉnh thành, dù là thành phố lớn hay khu vực còn khó khăn đều gặp chung một điểm, đó là việc đặt lên hàng đầu nhiệm vụ triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ, Bộ GD&ĐT, Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương.
Cùng với đó là tạo đồng thuận trong hành động bằng tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng xã hội, các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, sinh viên hiểu được yêu cầu của đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, đầu năm học 2014 - 2015, đã có 21 tỉnh, thành ban hành kế hoạch hành động thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 29 Trung ương. Điều đó thể hiện sự vào cuộc quyết liệt của địa phương, quyết tâm đổi mới.
Công tác phổ biến, học tập, quán triệt Nghị quyết đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo đang diễn ra khắp mọi nơi. Dựa trên thực tiễn giáo dục, mỗi địa phương đều có những mục tiêu, giải pháp hết sức cụ thể; thể hiện rõ quyết tâm đưa công tác đổi mới toàn diện GD&ĐT trên địa bàn đi vào chiều sâu, thực chất và có hiệu quả. Việc triển khai thực hiện đổi mới diễn ra hết sức khẩn trương với các bước đi được chuẩn bị kỹ càng.
Ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hòa - chia sẻ: Sau năm học thực hiện các chỉ đạo đổi mới của Bộ GD&ĐT và đạt được những thành công bước đầu, Khánh Hòa đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý.
Sở GD&ĐT đã chủ động tham mưu cho tỉnh ủy và UBND tỉnh về tinh thần của Nghị quyết 29 và chỉ thị của Bộ GD&ĐT về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; trên cơ sở đó đề ra những kế hoạch thực hiện phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương, giàu tính khả thi.
Ngành Giáo dục Bình Dương thì cụ thể hóa Nghị quyết số 29 qua chủ đề “Đổi mới thực chất, hiệu quả nâng cao, chất lượng bền vững”. Trên cơ sở đó, Ngành thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm: Đổi mới căn bản công tác quản lý GD&ĐT; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới chính sách, cơ chế tài chính giáo dục.
Tại Bắc Ninh, với việc xác định chủ đề năm học 2014 - 2015: “Đổi mới Phương pháp dạy học và cảnh quan sư phạm trường học”, toàn ngành Giáo dục của tỉnh xác định thực hiện những giải pháp đột phá và những giải pháp đồng bộ nhằm tạo sự chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng giáo dục, hiệu quả công tác quản lí, chỉ đạo với 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm:
Đó là: Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý giáo dục; đổi mới phương pháp dạy học và nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục; Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; công tác kế hoạch tài chính và tăng cường cơ sở vật chất trường học; thực hiện công tác xã hội hoá giáo dục và tăng cường hiệu quả triển khai đề án dạy và học ngoại ngữ.
Giám đốc Trương Anh - Sở GD&ĐT Đắk Nông - thì cho biết, để thực hiện thành công Nghị quyết 29, trước mắt, trong năm học này, ngành GD&ĐT Đắk Nông sẽ tập trung mọi nguồn lực hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; đánh giá đội ngũ giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp, nhất là giáo viên Tiếng Anh.
Đồng thời, xây dựng một số trường chất lượng cao; đổi mới công tác quản lý đáp ứng với sự thay đổi chung toàn Ngành; đổi mới công tác thi; quản lý điểm số; tăng cường các hoạt động ngoài giờ lên lớp...
Trên cơ sở phù hợp với điều kiện thực tiễn, ông Vũ Liên Oanh, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh cho hay, Sở GD&ĐT đã đưa ra những nhiệm vụ mới, cụ thể với từng cấp học.
Còn lãnh đạo Sở GD&ĐT Bình Định thì tin tưởng, với việc triển khai thực hiện Nghị quyết 29, được cả xã hội cùng “chung lưng đấu cật”, ngành GD&ĐT Bình Định sẽ có thêm động lực mới, quyết tâm mới để bứt phá vươn lên, tạo được sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn, có sự đổi mới thực sự, căn bản, toàn diện như mục tiêu Nghị quyết 29 đã đề ra...
Có thể nói, năm 2014, nhiều chủ trương, chính sách về GD&ĐT của Đảng và Nhà nước cùng các đề xuất đã được cụ thể hóa trong Đề án Đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT đã tạo được sự đồng thuận trong xã hội.
Giáo dục đào tạo được xã hội quan tâm sâu sắc hơn, được dành nhiều điều kiện ưu tiên để phát triển. Theo lãnh đạo ngành Giáo dục các địa phương, đây chính là điều kiện thực sự thuận lợi để ngành Giáo dục hoàn thành tốt tất cả những nhiệm vụ đã đề ra.
Trong năm học vừa qua, các Sở GD&ĐT đã tham mưu tích cực với chính quyền địa phương ban hành các văn bản triển khai thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo năm học 2013 - 2014.
Đồng thời, triển khai nghiêm túc các văn bản quy phạm pháp luật, mạnh dạn áp dụng các giải pháp phát triển giáo dục phù hợp với hoàn cảnh thực tế của địa phương; tăng cường các giải pháp quản lý, chấn chỉnh tiêu cực ở các cơ sở giáo dục, kiểm tra hoạt động đào tạo, liên kết đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn.
Công tác truyền thông về GD&ĐT đã được Bộ GD&ĐT, các Sở GD&ĐT chú trọng. Theo đó, các chủ trương lớn của Ngành, của mỗi địa phương được chủ động cung cấp cho các cơ quan thông tấn, báo chí để tuyên truyền, chuyển tải tới nhân dân và được dư luận xã hội đồng thuận cao.
Nguồn Báo Giáo dục & Thời đại