Cô giáo Nguyễn Thị Vân Anh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Do phụ huynh không có thời gian đưa đón con đi học 2 buổi/ngày, nên phần nhiều có nhu cầu cho con học bán trú được ăn và ngủ trưa tại trường. Từ năm 2007, Trường TH học Đài Sơn bắt đầu thực hiện mô hình thí điểm học bán trú. Qua đó, đã thu hút số lượng học sinh đăng ký học tại trường ngày càng đông. Tuy nhiên, cho đến nay đã hơn bảy năm trôi qua nhưng trường vẫn chưa được công nhận là trường bán trú. Việc này đã khiến nhà trường gặp không ít khó khăn do không được hưởng bất cứ chế độ đặc thù nào của một trường bán trú như: không có phòng nghỉ trưa cho học sinh, không có chế độ trả lương cho bảo mẫu và cấp dưỡng; nhà ăn quá tải chưa được nâng cấp… Cô giáo Vân Anh cho hay: Ban đầu, bếp ăn của trường được thiết kế để phục vụ cho khoảng 150 em, nhưng càng ngày số lượng học sinh đăng ký học bán trú càng tăng. Chỉ tính riêng trong năm học vừa qua, có tới hơn 300 em đăng ký bán trú và ăn tại trường. Điều này khiến việc chăm lo bữa ăn cho các em trở nên quá tải.
Trường Tiểu học Đài Sơn đang gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì mô hình bán trú.
Năm học 2014 - 2015 đã bắt đầu được hơn một tháng, nhưng đến nay trường vẫn chưa tổ chức được việc học bán trú cho học sinh. Tại buổi họp phụ huynh học sinh được tổ chức vào ngày 20-9 vừa qua, nhiều phụ huynh đã nêu ý kiến bày tỏ mong muốn nhà trường tiếp tục cố gắng tổ chức học bán trú cho học sinh, nhưng trong điều kiện hiện nay trường vẫn chưa có giải pháp nào tháo gỡ khó khăn.
Theo Ban giám hiệu nhà trường, nguyên nhân là do những năm học trước, nhà trường thu mỗi em học bán trú 40 nghìn đồng/tháng để chi phí cho việc trả lương cho bảo mẫu, cấp dưỡng. Nhưng mới đây, Phòng GD&ĐT Tp. Phan Rang - Tháp Chàm có thông báo tạm dừng thu tất cả các loại phí đối với học sinh tiểu học, kể cả phí bán trú. Không được thu phí nên nhà trường không có bất cứ khoản tiền nào để tổ chức bán trú cho các em.
Lãnh đạo Phòng GD&ĐT Tp. Phan Rang-Tháp Chàm cho biết: Trước đây thực hiện Quyết định 76/QĐ-UBND, ngày 30-3-2007 của UBND tỉnh, quy định các trường Tiểu học học 2 buổi có bán trú được thu phí dạy buổi chiều trả cho giáo viên (13 ngàn đồng/tiết) và thuê nhân viên nấu ăn, bảo mẫu... Tuy nhiên, theo quy định của Luật Giáo dục, nay không được thu tiền học phí đối với học sinh Tiểu học. Thay vào đó, Sở GD&ĐT đang dự thảo văn bản về hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh để có cơ sở thực hiện trong thời gian tới.
Về việc Trường TH Đài Sơn có kiến nghị, đề xuất được công nhận là trường bán trú, bà Trần Thị Hường, Phó Phòng GD&ĐT thành phố cho biết: Mô hình bán trú tại Trường TH Đài Sơn là mô hình khuyến khích thực hiện chứ không bắt buộc phải duy trì. Nếu trường có đủ điều kiện thực hiện thì thỏa thuận với phụ huynh học sinh đóng góp để duy trì, còn nếu khó khăn quá thì được phép bỏ không thực hiện bán trú.
Tuy nhiên, bà Hường cũng chia sẻ: Hiện nay, nhu cầu học bán trú tại các trường trên địa bàn thành phố rất lớn, chứ không chỉ riêng tại Trường TH Đài Sơn. Tuy nhiên, hiện cơ chế để đầu tư, xây dựng trường trở thành trường bán trú đang thực sự khó khăn, không có hướng dẫn cụ thể. Do đó, trong thời gian tới phòng sẽ kiến nghị Sở GD&ĐT, UBND tỉnh xem xét, có hướng đầu tư thỏa đáng, đáp ứng cơ sở vật chất và điều kiện để chuyển đổi một số trường học thành trường bán trú, đáp ứng được nhu cầu của phụ huynh và học sinh trên địa bàn.
Hy vọng rằng, mong muốn của nhà trường, phụ huynh và học sinh về xây dựng trường học bán trú trên địa bàn thành phố Phan Rang-Tháp Chàm sớm trở thành hiện thực.
Phan Hạnh-Anh Tuấn