Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận: Gắn đào tạo nghề với thị trường lao động

(NTO) Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận (CĐN) có 120 cán bộ, giảng viên,... trong đó 20% giảng viên có trình độ tiến sỹ, thạc sỹ và có 6 người đang học cao học; 100% giảng viên đứng lớp và thỉnh giảng trình độ đại học, thợ nghề bậc 6 trở lên.

Đảng bộ, Ban Giám hiệu nhà trường luôn coi trọng nâng cao chất lượng chuẩn hoá cho đội ngũ giảng viên, nhằm xây dựng đội ngũ giảng viên dạy nghề theo hướng đảm bảo đủ số lượng, đồng bộ về cơ cấu, có trình độ năng lực, phẩm chất đáp ứng điều kiện mới. Cán bộ, giáo viên luôn chủ động rà soát, điều chỉnh biên soạn lại các chương trình dạy nghề theo hướng gắn với thực tế môi trường lao động sản xuất, tiếp cận với kỹ thụât, công nghệ tiên tiến; liên thông giữa các trình độ đào tạo nghề phù hợp thực tiễn trên địa bàn tỉnh.

 

Giờ thực hành của học viên khoa Điện-Điện tử.Ảnh: Thanh Long

Những năm qua, nhà trường luôn được sự quan tâm đầu tư của tỉnh, nguồn vốn tài trợ ODA trị giá hàng triệu USD để hiện đại hoá cơ sở vật chất nhà trường. Khuyến khích cán bộ giáo viên tự làm thiết bị, học cụ phục vụ giảng dạy, góp phần tiết kiệm chi phí, đáp ứng yêu cầu học tập. Ngoài ra, nhà trường còn chủ động trong việc đào tạo các nghề mà thị trường có nhu cầu, theo đơn đặt hàng của một số doanh nghiệp như: Công ty TNHH Thủy sản Thông Thuận và Công ty TNHH May Tiến Thuận, Công ty CP nước khoáng Vĩnh Hảo, Công ty Cổ phần Lilama 45.5… Bên cạnh đó, nhà trường còn liên kết với các cơ sở đào tạo nghề trong và ngoài tỉnh để mở các lớp dạy nghề, vì thế, chất lượng đào tạo của nhà trường ngày càng được nâng cao, thu hút được nhiều học viên (HV).

Cụ thể, năm học 2013-2014, toàn trường tuyển sinh các hệ đào tạo được 1.711/1.700 HV, đạt tỷ lệ 106% kế hoạch đề ra. Trong đó hệ CĐN có 525 HV/14 lớp, Trung cấp nghề có 205 HV/11 lớp và 1.000 HV các lớp sơ cấp nghề và đào tạo khác tham gia học trên 12 ngành nghề khác nhau. Ngoài ra, thực hiện chính sách hậu phương quân đội, Trường CĐN đã dạy nghề cho hơn 120 bộ đội xuất ngũ. Tiến sĩ Bùi Đức Tú, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Những ngành nghề hiện đang thu hút nhiều HV tham gia như là: sửa chữa ô tô, điện dân dụng, điện tử, điện lạnh, tự động hóa, kỹ thuật xây dựng, cơ khí -chế tạo máy... Mặt khác, bám sát kế hoạch của tỉnh triển khai Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trường cũng đã mở các lớp nghề sơ cấp, ngắn hạn cho lao động ở các địa bàn nông thôn trong tỉnh. Đến nay, hầu hết các mô hình thí điểm của Đề án đều phát huy tác dụng, tạo điều kiện cho người học có cơ hội tìm việc làm và tăng thu nhập, ổn định đời sống, như: mô hình kỹ thuật trồng nấm, chăn nuôi gia súc, gia cầm, rau…

Tổng kết năm học 2013-2014, tỷ lệ HSSV đạt loại khá, giỏi 37%, tăng 5% so với năm học trước; 76,2% HSSV xếp hạnh kiểm khá-tốt; tỷ lệ HSSV bỏ học giảm so với đầu năm dưới 16% (thấp hơn so với các Trường Cao đẳng nghề của các tỉnh lân cận); tỷ lệ tốt nghiệp Trung cấp nghề hệ chính quy đạt 95,3%. Tham gia Kỳ thi tay nghề toàn quốc năm 2014, trường có 3/4 HSSV đạt giải Khuyến khích. Đặc biệt do công tác đào tạo của nhà trường luôn bảo đảm chất lượng nên tỷ lệ HSSV tốt nghiệp có việc làm đạt 80% đúng ngành nghề đào tạo. Trường CĐN được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy, đào tạo nghề lao động nông thôn.

Năm học 2014-2015, với mục tiêu đề ra “Xây dựng văn hóa công sở, thực hiện tốt nền nếp giảng dạy và học tập, nỗ lực để từng bước hoàn thành các tiêu chí của trường nghề chất lượng cao”, Tiến sĩ Bùi Đức Tú, cho biết: Trường tiếp tục khảo sát thị trường lao động để nghiên cứu mở các ngành nghề phù hợp nhu cầu xã hội. Đẩy mạnh các mối quan hệ với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, tăng cường công tác khảo sát đầu ra, tư vấn định hướng nghề nghiệp đầy đủ, kịp thời đến mọi đối tượng để có những thông tin chính xác trong việc xây dựng kế hoạch tuyển sinh, liên thông, liên kết đào tạo. Tổ chức đào tạo các lớp chất lượng cao, các nghề trọng điểm, đào tạo các nghề phục vụ nông nghiệp nông thôn, phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh và toàn quốc.