Thế giới ấn tượng trước những đổi mới giáo dục tại Việt Nam

Nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực có trình độ cho xã hội đang trên đà hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, giáo dục Việt Nam đang nỗ lực đổi mới một cách căn bản và toàn diện. Nỗ lực đó đã có những tín hiệu vui và được thế giới đánh giá tích cực.

Tiến bộ quan trọng trong phổ cập GD

Theo đánh giá của Tổ chức Unicef, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ quan trọng trong việc đạt được phổ cập tiểu học. Năm 2009, số học sinh vào trường tiểu học đạt 97% và 88,5% học sinh tiểu học hoàn thành được bậc học kéo dài 5 năm này.

Trong số đó, hơn 90% học sinh tiếp tục học lên bậc THCS và không có khác biệt lớn giữa vùng nông thôn và thành thị. Việt Nam cũng làm rất tốt về vấn đề cân bằng về giới với số học sinh nam và học sinh nữ ở cả bậc tiểu học, phổ thông cơ sở gần như ngang bằng nhau.

Theo Young Lives (một nghiên cứu quy mô quốc tế về đói nghèo của trẻ em nhằm cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách những nghiên cứu dựa trên thực tế về trẻ em), trong những năm gần đây, Việt Nam đã tiến hành những cuộc cải cách quan trọng để cải thiện chất lượng giáo dục.

Để hiểu rõ thêm về ảnh hưởng của gia đình, nhà trường có tác động thế nào lên thành tích và sự tiến bộ của học sinh trong học tập, Young Lives đã tiến hành khảo sát 3.284 học sinh lớp 5 ở 20 địa điểm trên khắp Việt Nam năm 2011 - 2012.

Kết quả cho thấy, hầu hết học sinh đều ở độ tuổi phù hợp đến trường, học sinh và giáo viên đến trường đều đặn. Đa số các trường, lớp và học sinh đều được tiếp cận với các nguồn tài liệu và thiết bị, tài liệu học tập. Hầu hết học sinh đều nắm vững những kỹ năng cơ bản về số và đọc hiểu. Đặc biệt về môn Toán, nhiều học sinh có trình độ học tập khá cao.

Sự vượt trội như một “ngôi sao”!

Từ kết quả rất đáng khích lệ về tốc độ phổ cập tiểu học, trang web developmentprogress.org dẫn ra kết quả ấn tượng trong kỳ thi PISA gần đây nhất dành cho học sinh 15 tuổi của Việt Nam.

Học sinh Việt Nam đứng thứ 17 trong số 61 nước tham gia, vượt lên các bạn tại các quốc gia khác như Đức, Australia và 2/3 các nước tham gia khác. Những gì Việt Nam đạt được ở cuộc thi PISA đã khiến nhiều người ngạc nhiên. Ông Andreas Schleicher, phụ trách các bài kiểm tra của PISA, đã nhấn mạnh sự vượt trội của Việt Nam như một “ngôi sao”.

Giải thích về thành công mà Việt Nam có được, developmentprogress.org cho rằng bước đi quan trọng đầu tiên là xây dựng được những nền móng vững chắc ở các trường tiểu học và học sinh có điều kiện khó khăn được quan tâm đặc biệt.

Không giống như nhiều quốc gia khác, chương trình học của Việt Nam tập trung vào các kỹ năng cơ bản, gần khớp với những gì trẻ em có thể học, tập trung vào việc đảm bảo những học sinh kém có thể theo kịp.

Ngoài ra, các chương trình đào tạo giáo viên cũng quan tâm đặc biệt đến các phương pháp giáo dục toàn diện.

Trong khi đó, trên trang http://blogs.iadb.org/ nhà báo, đồng thời là chuyên gia cao cấp về giáo dục Javier Luque đã đăng bài viết của mình với tiêu đề: “Việt Nam: Một sự ngạc nhiên lớn” khi nói về kết quả mà học sinh Việt Nam đạt được trong quộc thi PISA gần đây nhất.

Ngạc nhiên bởi lẽ, Việt Nam có điều kiện kinh tế xã hội kém hơn so với các nước tham gia nhưng học sinh vẫn vượt lên để xếp thứ 17 trong cuộc thi.

Theo ông Javier Luque, một số nguyên nhân dẫn đến kết quả trên là “Việt Nam có một hệ thống giáo dục tập trung về việc ra quyết định liên quan đến giáo viên và về quá trình giám sát, đánh giá chất lượng”. Đa số hiệu trưởng các trường học ở Việt Nam nói rằng trường của họ có các hoạt động ngoài giờ phục vụ dạy Toán.

Ngoài ra, gia đình cũng giúp học sinh học thêm. Không giống như ở các nước khác, học sinh Việt Nam có các hoạt động học thêm khoảng 17 giờ (cao thứ 4 trong số các nước tham gia PISA, sau Kazakhstan, Thượng Hải của Trung Quốc và Nga). Một nguyên nhân nữa ông Javier Luque đưa ra là học sinh Việt Nam coi trọng môn Toán và coi đây là môn học giúp các em làm việc tốt khi sau này ra làm việc.

Theo ông Javier Luque, một số đặc điểm của hệ thống giáo dục Việt Nam cho thấy có một sự cam kết lớn từ tất cả các bên có liên quan để cải thiện kết quả giáo dục và kinh nghiệm này có thể áp dụng cho các nước khác.

Những cải cách giáo dục gần đây của Việt Nam như: Đổi mới thi cử, quyết tâm nâng cao trình độ ngoại ngữ, đổi mới chương trình, SGK… cũng đang được cộng đồng quốc tế quan tâm và theo sát, bước đầu nhận được những lời động viên, khích lệ, đánh giá tích cực.

Nguồn Báo Giáo dục & Thời đại