Ngày trước, mỗi khi Tết đến, lúc hóa vàng là những khoảnh khắc để nhớ về ông bà, người thân đã qua đời. Trong thời khắc ấy, mọi người đều bày tỏ lòng thành cầu xin ông bà phù hộ những điều tốt đẹp nhất cho cả gia đình.
Còn ngày nay, trong nhịp sống hối hả, người ta chỉ kịp bày tỏ lòng mình đối với những người đã mất trong mỗi dịp lễ tết, với suy nghĩ rằng đốt thật nhiều đồ mã, vàng mã thì sẽ mang đến một cuộc sống sung túc cho người đã mất. Suy nghĩ đốt càng nhiều đồ mã, vàng mã thì được lộc càng nhiều là tư duy thực dụng. Điều này đã làm thay đổi giá trị của việc hóa vàng tưởng nhớ người đã khuất.
Người ta cứ nghĩ là khi có ai chết, là phải đốt vàng mã. Đốt vàng mã với ý nghĩa để cho người đã chết được tiêu dùng thì càng không đúng. Ngày nay, chúng ta đang sống trong xã hội phát triển, không còn những hủ tục lạc hậu nữa thì cũng nên hạn chế việc đốt vàng mã. Với mong muốn trên trần gian có gì thì ở dưới âm cũng cần phải có thứ đó, nhiều gia đình đã đốt tiền vàng, quần áo, thậm chí những thứ đồ mã đắt tiền như máy tính, nhà lầu, xe hơi, tủ lạnh… Việc đốt vàng mã như vậy là tốn kém, ảnh hưởng đến môi trường, dễ gây ra hỏa hoạn… Chúng ta nên sử dụng tiền đó làm từ thiện thì thật hữu ích. Hiện nay, ở một số nơi khi tiễn đưa một người về nơi an nghỉ, thay vì đốt vàng mã người ta lại rải hoa.
Thiết nghĩ, tấm chân tình của mình nên bày tỏ khi người thân còn sống, đó là sự chăm sóc tận tình lúc ốm đau, hiếu nghĩa đối với cha mẹ … Chứ không phải đợi đến lúc họ qua đời rồi đốt nhiều vàng mã mới thể hiện được lòng hiếu thảo.
Nghị định của Chính phủ quy định chế tài xử phạt hành chính về việc đốt vàng mã nơi công cộng có hiệu lực đã 4 năm, tuy nhiên để Nghị định thực sự đi vào cuộc sống, thiết nghĩ các nhà quản lý cần đẩy mạnh tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc đốt đồ mã, vàng mã. Việc thay đổi hành vi về vấn đề này cần phải kiên trì, có thời gian và là trách nhiệm chung của cộng đồng.
Minh Uyên