Có thể nói, trong vòng vài năm trở lại đây có 2 ngành được nhiều người trong xã hội “soi” nhiều nhất là giáo dục và y tế. Bởi cũng phải thôi, vì một ngành chuyên chăm lo sức khỏe cho toàn dân còn ngành kia thì chuyên lo “dạy người” có đủ trí tuệ, bản lĩnh…để góp phần xây dựng đất nước. Chỉ nói riêng ngành y- một trong số ít ngành được cho là khá “nhạy cảm” trong xã hội nên người thầy thuốc luôn được “quan tâm” thấu đáo từ thái độ giao tiếp đến khám, chữa bệnh và cả cơ sở điều trị. Tất nhiên, khi đã được chú ý “quá mức” thì thầy thuốc cũng có cách để… “đối phó” như quyết tâm rèn luyện y đức, tâm đức, tay nghề để cứu, chữa người bệnh với kết quả cao nhất. Đây là cách “đối phó” tích cực, đáng quý, đáng trân trọng. Cũng có không ít cách “đối phó” khác theo kiểu: “Khám qua loa, nói khiêm tốn, tránh xung đột” với người bệnh để khỏi bị phản ảnh, phiền phức. Đây đó, cũng có những thầy thuốc chỉ chú trọng “làm tư” còn đến phòng khám, bệnh viện công chỉ là để “nghỉ ngơi” để có sức về nhà làm tiếp, chẳng khác nào như giáo viên dạy chính là phụ ngược lại dạy phụ (dạy thêm) là chính! Tuy không là tất cả nhưng có những thầy thuốc như vậy đã góp phần không nhỏ làm xói mòn lòng tin của nhân dân nói chung đối với thầy thuốc, là “con sâu làm rầu nồi canh”!…
Các thầy thuốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh tận tâm chăm lo sức khỏe bệnh nhân.
Ảnh: Văn Miên
Chung quy lại, “luận” về thầy thuốc thì có đến không dưới 1.001 chuyện vui, buồn. Thế nhưng mới đây anh bạn bác sĩ của tôi kể một câu chuyện “nhỏ” nhưng ngẫm lại không nhỏ chút nào. Chuyện là thế này, trong ca mổ cho một trường hợp bị tai nạn giao thông nặng. Khổ nỗi bệnh nhân lại rất nghèo lại không tham gia bảo hiểm y tế nên tất cả chi phí gia đình phải chịu và tính ra con số phải đến vài mươi triệu đồng. Thấy vậy, anh bạn tôi không cầm lòng và trước khi bắt tay vào mổ cho bệnh nhân anh “kêu gọi” các y, bác sĩ trong kíp mổ đóng góp thêm để giúp cho người bệnh, tất nhiên anh là người xung phong đầu tiên… Thực tế thì sao? Sau khi ca mổ hoàn tất, mọi người thu dọn ra về và không có ai hưởng ứng ngoại trừ… anh ra!. Anh tâm sự: - Mình nghĩ gặp những ca như thế này việc đóng góp giúp đỡ là rất cần thiết bởi hơn ai hết cái tâm người thầy thuốc phải biết lay động trước nỗi đau bệnh tật và cả “đau đời” của người bệnh. Ai dè!... Thật buồn muốn chết!… Tôi cũng đồng cảm:- Chả lẽ có những thầy thuốc “vô cảm” đến vậy sao?. Anh bạn bác sĩ chỉ cười buồn mà không đính chính. Thế mới biết, để “đau” với nỗi đau người bệnh và “vui” với niềm vui khỏi bệnh… không dễ. Từ mẩu chuyện trên hy vọng rằng chỉ là cá biệt trong cuộc sống. Dù sao vẫn còn nhiều thầy thuốc tận tụy, biết hy sinh vì người bệnh, không chỉ có “tâm đức” mà còn có cả “tâm y” để được nhiều người kính trọng tôn vinh đúng nghĩa với chữ “thầy” đứng trước nghề thuốc!. Bác Hồ kính yêu đã dạy: “Thầy thuốc phải kiêm mẹ hiền”, ngẫm lại thật quá sâu sắc và càng sâu sắc hơn khi thầy thuốc hành nghề trong cơ chế thị trường hiện nay.
Hạ Huyền