Thế giới trong tuần

1. Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu (BĐKH) kéo dài trong 1 ngày (23-9) tại New York (Mỹ) bên lề khóa họp Đại hội đồng LHQ đã thu hút sự tham dự của nhiều nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ, các Bộ trưởng từ 193 quốc gia thành viên LHQ, cùng đông đảo các nhà khoa học, tài chính, doanh nghiệp, các nhà hoạt động môi trường… Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đánh giá: “Chưa bao giờ trong lịch sử lại có một cuộc gặp với nhiều nhà lãnh đạo cùng cam kết hành động để đối phó với BĐKH như vậy”. Các quốc gia cũng cam kết viện trợ hàng tỷ USD cho các quốc gia đang phát triển để đối phó với hậu quả của BĐKH.

Hội nghị Thượng đỉnh về BĐKH nhằm tạo thêm động lực chính trị thúc đẩy quá trình thương lượng về một thỏa thuận pháp lý mới trong năm 2015 về khuôn khổ Công ước khung của LHQ về BĐKH để thế giới có thể đạt được mục tiêu về nồng độ khí thải nhà kính trong khí quyển và nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng quá 20C.

Theo báo cáo mới nhất tại Hội nghị, lượng khí nhà kính khiến Trái Đất nóng lên đã lập kỷ lục mới 40 tỷ tấn (so mức 32 tỷ tấn năm 2010) tiếp tục đe dọa gây hậu quả khủng khiếp và không thể đảo ngược đối với nhân loại.

Liên quan đến Hội nghị, những ngày qua, người dân nhiều nước cũng tuần hành chống BĐKH. Tại Trung tâm Tài chính New York, hàng trăm ngàn người đã tập trung biểu tình chống BĐKH. Mục đích của lần biểu tình này cũng là nhằm gây áp lực buộc giới chức LHQ phải có hành động cụ thể và nhanh chóng trong Hội nghị Thượng đỉnh về BĐKH đang diễn ra. Các nhà tổ chức ước tính có 166 quốc gia tổ chức các hoạt động tuần hành tương tự, trong đó có Anh, Pháp, Đức, Brazil hay Afghanistan,…

2. Liên quan đến chiến dịch chống lực lượng Hồi giáo tư xựng (IS) luôn thu hút sự quan tâm của thế giới. Việc Mỹ và các nước đồng minh tiến hành đợt không kích chống lại IS trên lãnh thổ Syria (Xi-ri) từ ngày 23-9 là sự kiện quốc tế gây chấn động. Điểm đáng chú ý vì nó diễn ra trên lãnh thổ Syria khi chưa có sự đồng ý của Chính quyền Damascus (Đa-mát). Được biết, chiến dịch không kích này có những điểm khác với chiến dịch hiện nay tại Iraq như: Quy mô khí tài lớn hơn, mục tiêu rộng hơn nhiều so với chiến dịch ở Iraq. Theo các chuyên gia phân tích, chiến dịch không kích vào lãnh thổ Syria của Mỹ là điều sẽ đương nhiên xảy ra. Bởi, để chống lực lượng IS, đương nhiên các đợt không kích sẽ leo thang từ Iraq sang Syria. Tuy nhiên, điều bất ngờ nhất là chiến dịch này diễn ra quá nhanh và quy mô không kích quá lớn.

Hiện đã có hơn 40 quốc gia đồng ý tham gia liên minh do Mỹ đứng đầu chống lại IS. Tuy nhiên, không nước nào nhắc tới việc đưa bộ binh tham gia vào cuộc chiến chống IS.

3. Trong khi đó, tình hình dịch Ebola vẫn đang diễn biến phức tạp. Theo Tiến sĩ Christopher Dye, Giám đốc chiến lược của WHO, thế giới đang chứng kiến đợt bùng phát thứ 3 của dịch Ebola. Đây là sự gia tăng theo cấp số nhân, từ hàng trăm lên đến hàng nghìn ca nhiễm bệnh mỗi tuần. Nếu không ngăn chặn đại dịch này sớm thì nó có nguy cơ trở thành một thảm họa lớn và WHO cũng cho biết, tỷ lệ tử vong của người nhiễm Ebola là 70%, cao hơn mức tính toán trước đó. WHO cảnh báo, số ca nhiễm virus Ebola có thể lên tới khoảng 20.000 người trong vài tuần tới tại khu vực Tây Phi. Đến nay, đã có 2.793 ca tử vong do nhiễm virus Ebola trong tổng số 5.762 ca nhiễm bệnh. Đối với 5 quốc gia nằm trong vùng dịch, Liberia hiện đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Guinea và Sierra Leone vẫn có số ca nhiễm mới tăng cao.

Ngân hàng Thế giới (WB) cũng vừa đưa ra cảnh báo đại dịch Ebola đang đe dọa nền kinh tế các nước Tây Phi khi đã phải chi đến cả tỷ USD để khắc phục và kiểm soát đại dịch này.