Ngày Hàng hải Thế giới năm 2014 được kỷ niệm với chủ đề:
"Các công ước của IMO: Áp dụng hiệu quả". Ảnh: imo.org
Với chủ đề này, cộng đồng hàng hải quốc tế hy vọng sẽ đạt được những tiến bộ thực sự trong việc thực thi một cách hiệu quả trên phạm vi toàn cầu các công ước của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO). Ngày Hàng hải quốc tế năm nay là cơ hội để kêu gọi và thu hút các quốc gia thành viên IMO tập trung vào các công ước chưa có hiệu lực, đồng thời giúp cho việc thực thi hiệu quả và rộng rãi hơn các công ước đã có hiệu lực.
Trong thông điệp đưa ra nhân ngày kỷ niệm này, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho biết: “Vào thời điểm khi thế giới đang phải vật lộn với các cuộc xung đột và khủng hoảng, người ta rất dễ dàng để quên rằng, ngày qua ngày, lĩnh vực vận tải biển quốc tế đang mở ra trong yên lặng và hiệu quả để duy trì dòng chảy của thương mại thế giới và bảo đảm cho hàng hoá và các sản phẩm thiết yếu mà chúng ta đang cần được phân phối đúng thời gian mong muốn”.
Theo nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc, trong hơn 50 năm qua, các công ước quốc tế được phát triển bởi Tổ chức Hàng hải Quốc tế đã từng bước khiến cho vận tải biển thế giới an toàn và thân thiện hơn với môi trường. Hiện có hơn 50 công ước. Tựu chung lại, các công cụ này nhằm tăng cường sự an toàn và an ninh trên biển, bảo vệ môi trường biển, giảm thiểu hậu quả của tai nạn hoặc xác định các quy tắc thiết lập trách nhiệm và bồi thường thiệt hại.
Chúng ta chỉ có thể tận dụng đầy đủ tiện ích thực sự của các thỏa thuận này nếu chúng được thực hiện đúng. Điều này đòi hỏi một hiệu lực không chậm trễ, sự tham gia rộng rãi, các chính sách và chương trình hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ và thực thi mạnh mẽ.
Vào Ngày Hàng hải Thế giới, Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế “không được lãng quên sự đóng góp, thường không được công nhận nhưng rất quan trọng, mà vận tải biển quốc tế mang lại cho người dân và các xã hội trên toàn thế giới. “Tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan tăng cường nỗ lực để bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả của tất cả các công ước của IMO” – ông Ban Ki-moon nhấn mạnh.
Còn theo Tổng thư ký IMO Koji Sekimizu, trong suốt những năm vừa qua, phần lớn các công ước do IMO đưa ra đều đã có hiệu lực và góp phần rộng lớn vào việc bảo đảm cho vận tải biển quốc tế trở nên an toàn hơn, vững chắc hơn và thân thiện hơn với môi trường. Tuy nhiên, nhiều trong số đó vẫn còn được phê chuẩn quá chậm hay được áp dụng ít, thậm chí được thực thi rất kém. Điều này thực sự rất đáng lo ngại.
Ông Koji Sekimizu lưu ý: “Đối với một công ước của IMO thực sự hữu ích, nó phải có hiệu lực nhanh chóng, được phê chuẩn rộng rãi, được thực thi hiệu quả, được kiểm soát chặt chẽ và được tôn trọng. Ngay cả các công ước hướng tới gần như tất cả các đội tàu thế giới, chẳng hạn như Công ước SOLAS và MARPOL, sẽ chỉ có hiệu lực nếu chúng được hỗ trợ bởi một cơ chế thực thi hiệu quả ở cấp quốc gia”.
“Trong năm 2014, chủ đề của chúng tôi đã cho phép đạt được những tiến bộ thực sự liên quan đến việc phê chuẩn, có hiệu lực và áp dụng tất cả các công ước của IMO, nhưng đặc biệt là những công ước chưa được chấp nhận rộng rãi” – Tổng thư ký IMO nhấn mạnh.
Đó là mục đích thực sự của IMO. Ngoài các cuộc tranh luận, thảo luận và dự thảo các nghị quyết tại các Ủy ban và các tiểu ban, điều quan trọng nhất là làm thế nào để các quy định được áp dụng cho các tàu thuyền, cảng biển và thuyền viên mỗi ngày bởi đây là những đối tượng ở tuyến đầu của các hoạt động liên quan đến vận tải biển.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam