Dấu ấn sự kiện lịch sử trong nước ngày 27-9

* Sự kiện

- Ngày 27-9-1940: Khởi nghĩa Bắc Sơn (Lạng Sơn). Ngay sau khi phát xít Nhật nhảy vào Đông Dương, Đảng bộ Bắc Sơn (tỉnh Lạng Sơn) đã phát động quần chúng nổi dậy giành lại chính quyền về tay nhân dân. Ngày 27-9-1940, hơn 600 quân khởi nghĩa đã tấn công đồn Mỏ Nhài (châu Bắc Sơn) tuyên bố xóa bỏ chính quyền cũ. Hai ngày sau đó, quân khởi nghĩa tiếp tục tấn công và đánh tan quân Pháp ở đèo Canh Tiêm, Sập Di. Thực dân Pháp cùng phát xít Nhật thỏa hiệp, đàn áp cuộc khởi nghĩa, chiếm lại các đồn. Cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn tuy thất bại, nhưng đã để lại bài học quý báu về khởi nghĩa vũ trang, xây dựng chính quyền, đặt nền móng cho việc xây dựng căn cứ địa cách mạng. Đội du kích Bắc Sơn sau này phát triển thành Việt Nam cứu quốc quân.

- Ngày 27-9-1946: tiếp tục bàn về “Binh pháp Tôn Tử”, trên Báo “Cứu Quốc”, số 358, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Bàn về kế hư, thực”, ký tên Q.Th. Tác giả phân tích phương pháp dùng kế nghi binh theo 9 nguyên tắc trong binh pháp của Tôn Tử: “Muốn chiến đấu thắng lợi, bao giờ cũng phải chiếm địa vị chủ động... Kế hư thực là một kế rất thần diệu trong tất cả các binh pháp... Nói tóm lại, kế hư thực của Tôn Tử rất mầu nhiệm. Muốn đánh được thắng lợi, hành động phải bí mật, đừng để quân địch biết mà đề phòng. Trái lại, muốn phòng giữ chắc chắn, đừng nên để lộ cơ mưu, hư thực của mình, khiến cho quân địch không biết đánh vào nơi nào, đừng ở nơi nào. Thi hành đúng kế hư thực, thắng lợi sẽ cầm chắc trong tay”.

- Ngày 27-9-1951: Hội nghị Trung ương lần thứ 2 khóa II khai mạc. Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự hội nghị và đóng góp những ý kiến thiết thực đối với công tác Đảng: “Điều chú ý là cán bộ xa dân và quan liêu, không gần gũi quần chúng, cho nên phải làm thế nào kết hợp được với quần chúng. Công tác trong vùng tạm chiếm cần phải linh hoạt, không máy móc... Học tập cả kinh nghiệm và lý luận ta đều có mặt kém... phải cố gắng chống khuynh hướng kinh nghiệm chủ nghĩa”.

- Ngày 27-9 đến 5-10-1951: Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam họp Hội nghị lần thứ 2. Hội nghị đã quyết định 3 nhiệm vụ lớn là: Ra sức tiêu diệt nhiều sinh lực địch, tiến tới giành ưu thế quân sự, phá kế hoạch phòng ngự của địch ở trung châu Bắc Bộ; Ra sức phá âm mưu thâm độc của địch “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt”; Củng cố và phát triển sức kháng chiến của toàn quân, toàn dân. Hội nghị đã ra Nghị quyết về nhiệm vụ phương châm công tác trong vùng tạm bị chiếm và vùng du kích.

- Ngày 27-9-1961: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Học hay, cày giỏi”, ký bút danh T.L, đăng báo Nhân dân, số 2745. Bài báo phê phán quan điểm sai lầm cho rằng muôn nghề đều thấp kém, chỉ có nghề đọc sách là cao quý.Tác giả nêu rõ sự cần thiết phải kết hợp chặt chẽ lao động trí óc với lao động chân tay và khẳng định chủ trương đẩy mạnh giáo dục lao động trong nhà trường là hoàn toàn đúng đắn.Dẫn chứng một số gương tốt ở các chi đoàn thanh niên lao động đã kết hợp chặt chẽ học với hành, tác giả cho rằng đó là những ngày học hay cày giỏi.

- Ngày 27-9-2006: Khánh thành cột mốc biên giới đầu tiên Việt Nam-Campuchia. Tại cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh) - Ba Vẹt (tỉnh Svây Riêng), Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã cắt băng khánh thành cột mốc 171 – cột mốc biên giới đầu tiên giữa hai nước. Cột mốc 171 xác định ranh giới giữa tỉnh Tây Ninh (Việt Nam) và tỉnh Svây Riêng (Campuchia).Sự kiện này là thắng lợi chung của hai nước, hai dân tộc Việt Nam-Campuchia trong xây dựng đường biên giới thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển, đáp ứng nguyện vọng và lòng mong muốn của nhân dân hai nước đồng thời, thúc đẩy phát triển kinh tế, thịnh vượng, mở mang đời sống của nhân dân hai vùng biên giới.

* Nhân vật

- Ngày 27-9-1920: Ngày sinh của nhà văn Tô Hoài. Tô Hoài tên khai sinh là Nguyễn Sen. Ông sinh ra tại quê nội ở Thanh Oai, Hà Đông, Hà Nội trong gia đình thợ thủ công. Bút danh Tô Hoài gắn với hai địa danh: sông Tô Lịch và phủ Hoài Đức.Tính đến nay, sau hơn sáu mươi năm lao động nghệ thuật, ông đã có hơn 100 tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau: truyện ngắn, truyện dài kỳ, hồi ký, kịch bản phim, tiểu luận và kinh nghiệm sáng tác.Ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật (đợt 1 - 1996) cho các tác phẩm: “Xóm giếng”, “Nhà nghèo”, “O chuột”, “Dế mèn phiêu lưu ký”, “Núi Cứu quốc”, “Truyện Tây Bắc”,”Mười năm”, “Xuống làng”, “Vỡ tỉnh”, “Tào lường”, “Họ Giàng ở Phìn Sa”, “Miền Tây”, “Vợ chồng A Phủ”, “ Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ”.Truyện dài “Dế Mèn phiêu lưu kí” là tác phẩm rất nổi tiếng của ông dành cho thiếu nhi. Tác phẩm gần đây nhất của nhà văn là tập truyện “Ba người khác”.Ông mất ngày 6-7-2014 tại Hà Nội.

Theo TTXVN