Tại Nghị quyết được ban hành ngày 18/3/2014, các bộ, ngành, địa phương đã được giao nhiệm vụ cụ thể. Đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được báo cáo về kế hoạch hành động của 11 bộ, ngành và 18 tỉnh, thành.
Báo cáo gửi Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, một số đơn vị như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam… đã tích cực triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương cũng là 3 Bộ được “điểm danh” đầu tiên trong phần kết quả thực hiện của Báo cáo với dung lượng dài nhất so với các cơ quan khác.
Bộ Tài chính “quyết tâm mạnh mẽ”
Báo cáo nói trên nhận định Bộ Tài chính có “quyết tâm cải cách mạnh mẽ” với các thủ tục thuế, hải quan. Bộ đã ban hành Thông tư 119/2014/TT-BTC sửa đổi, bổ sung cùng lúc 7 Thông tư trước đó, có hiệu lực từ 1/9/2014, theo đó, số giờ thực hiện khai và nộp thuế sẽ giảm 201,5 giờ (hiện theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB) là 537 giờ). Đồng thời, chỉ đạo tiếp tục rà soát các nội dung khác trong lĩnh vực thuế, hải quan (ví dụ hoàn thuế) nhằm đơn giản hóa thủ tục cho doanh nghiệp.
Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng một số giải pháp về cải cách thủ tục nộp bảo hiểm xã hội (mà WB tính gộp cả vào chỉ tiêu “nộp thuế”). Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan liên quan (trong đó Công ty kiểm toán PwC- đối tác được WB chỉ định để thực hiện tính toán chỉ số nộp thuế của Việt Nam) rà soát lại và đã xác định lại số giờ nộp bảo hiểm xã hội hiện còn 108 giờ (giảm 227 giờ so với 335 giờ hiện tại)
Liên quan đến các thủ tục xuất nhập khẩu (hải quan), Bộ đã ban hành Thông tư 126 ngày 28/8 quy định về một số thủ tục về kê khai, thu nộp thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt… với hàng hóa xuất nhập khẩu; ban hành nhiều công văn xử lý vướng mắc về thủ tục hải quan cho doanh nghiệp và dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hải quan.
Khởi sự kinh doanh chỉ cần 17 ngày
Tác giả của Báo cáo không đưa ra nhận xét về chính mình, song cho hay Bộ này đã chủ trì xây dựng Luật Doanh nghiệp sửa đổi bám bát yêu cầu của Nghị quyết 19. Theo đó, thời gian khởi sự kinh doanh sẽ giảm còn 5 thủ tục (hiện là 10 thủ tục) với tổng thời gian 17 ngày (hiện là 34 ngày). Nhờ vậy, chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam dự kiến tăng 50 hạng, từ 109 lên khoảng vị trí 60 theo xếp hạng của WB.
Về chỉ tiêu bảo vệ nhà đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi sẽ bảo đảm nguyên tắc đối xử công bằng giữa các cổ đông, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông. Theo đó, xếp hạng chỉ số này của Việt Nam dự kiến tăng lên vị trí 60 so với vị trí 157 hiện nay (tăng gần 100 bậc).
Về phía ngành Công Thương, thực hiện mục tiêu giảm thời gian tiếp cận điện năng xuống còn tối đa 70 ngày (giảm 45 ngày so với 115 ngày hiện nay), EVN đã báo cáo Bộ Công Thương kế hoạch triển khai và đề xuất giảm thời gian thực hiện các thủ tục cấp điện cho trạm biến áp trung áp xuống còn 18 ngày làm việc, tức là rút ngắn 42 ngày làm việc so với quy định hiện hành.
Vẫn còn nhiều nơi chưa tích cực triển khai
Tuy nhiên, như trong Báo cáo nêu, vẫn còn nhiều bộ, ngành, địa phương chưa tích cực triển khai hoặc chưa bám sát các chỉ tiêu, cách thức cải thiện môi trường kinh doanh theo thông lệ quốc tế. Trong số các địa phương đã báo cáo về kế hoạch hành động, chỉ có UBND tỉnh Gia Lai đưa ra lộ trình thời gian cụ thể.
Một vướng mắc khác cụ thể trong lĩnh vực hải quan, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số liệu đánh giá của WB vẫn chưa tính hết được các thủ tục xuất, nhập khẩu hàng hóa thực tế của Việt Nam. Còn rất nhiều trở ngại, vướng mắc về thủ tục hải quan cần tháo gỡ. Ngoài ra, việc kiểm tra, quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu cũng đang rất phức tạp. Theo đánh giá của Hải quan thì 72% thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu phụ thuộc vào thời gian làm thủ tục với các cơ quan quản lý chuyên ngành.
Tương tự, chỉ tiêu tiếp cận điện năng không chỉ là trách nhiệm của Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực (EVN) mà còn là trách nhiệm của nhiều cơ quan liên quan như Sở Xây dựng, Sở GTVT, Sở Quy hoạch-Kiến trúc, UBND cấp quận, huyện hoặc cấp xã, cơ quan Cảnh sát phòng cháy chữa cháy.
Cần lộ trình cụ thể và dự kiến kết quả
Nghị quyết 19 yêu cầu tập trung thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược (bao gồm hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực) nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Trong đó, giai đoạn 2014-2015, tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước. Nghị quyết đặt ra mục tiêu hết sức cụ thể, định lượng được với một số chỉ tiêu như thời gian thành lập doanh nghiệp, thời gian nộp thuế, thời gian thông quan, thời gian tiếp cận điện năng…, đến hết năm 2015, một số chỉ tiêu đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6. Đáng chú ý là kết quả “đo” các chỉ tiêu này đều do Ngân hàng Thế giới tính toán độc lập.
Để thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện Nghị quyết 19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện theo đúng yêu cầu Nghị quyết đã đề ra, kế hoạch hành động phải có nội dung, lộ trình thời gian thực hiện cụ thể và kết quả dự kiến đạt được.
Báo cáo nêu “đích danh” 2 Bộ là GD&ĐT, LĐTB&XH cần khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết. Đồng thời, hai Bộ này phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện các giải pháp cần thiết tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung ứng dịch vụ giáo dục, đào tạo theo cơ chế thị trường gắn với kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu tư (với Bộ GD&ĐT) và cung ứng dịch vụ đào tạo nghề theo nhu cầu thị trường (Bộ LĐTB&XH).
Bộ Giao thông vận tải cần xây dựng kế hoạch hành động với lộ trình rõ ràng và chủ động thực hiện các giải pháp nhằm mục tiêu cải thiện chất lượng hạ tầng và dịch vụ cảng biển, giao thông, giảm chi phí vận tải xuống bằng mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6.
Các cơ quan liên quan phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) thực hiện các giải pháp cần thiết để đơn giản hóa thủ tục quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Tương tự, phối hợp với Bộ Công Thương (Tập đoàn Điện lực) để giảm thời gian tiếp cận điện.
Ngay cả với các lĩnh vực đã được triển khai khá quyết liệt như thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, tiếp cận điện năng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tiếp tục nghiên cứu, đánh giá đầy đủ thực trạng các chỉ tiêu này theo thông lệ quốc tế, chủ động đề xuất hoặc triển khai các giải pháp cần thiết trong phạm vi thẩm quyền để đạt mục tiêu như Nghị quyết đã đề ra.
Nguồn chinhphu.vn