(NTO) Chợ, siêu thị… vốn là nơi “hội tụ” nhiều giới ở nhiều vùng miền khác nhau. Biết vậy, nên mỗi khi có dịp đến các nơi này tôi thường “tò mò” quan sát xem số đông đến mua hàng hóa thường chuộng hàng “nội” hay “ngoại” để làm “phép thử” về sức lan tỏa của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Người tiêu dùng mua hàng thương hiệu Việt tại siêu thị Thanh Hà. Ảnh: Sơn Ngọc
Thật bất ngờ, số người chúng tôi trao đổi nhanh đều đồng tình “chuộng” hàng nội hơn, một số khác lại cho rằng, tùy theo nhu cầu để chọn với lý lẽ: Có mặt hàng nếu sử dụng hàng nội thì chất lượng không bằng nhưng cũng có khi ngược lại. Và điều chung nhất chúng tôi ghi nhận được là hầu hết đều… cạch hàng của “anh ba” Trung Quốc (TQ) vì đa phần là hàng kém phẩm chất, thêm nữa là gần đây các phương tiện truyền thông đưa tin nhiều về các chất độc hại ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, thậm chí là mầm mống gây ung thư cho người sử dụng…”ẩn chứa” trong nhiều mặt hàng rẻ tiền có xuất xứ từ TQ.
Không đâu xa, ngay gia đình chú em hàng xóm của tôi vốn “nghiện” siêu thị, - Tuần nào không đến xem như thiêu thiếu cái gì đó! – Như chú em này nói. Thực ra xem là chính và điều “cơ bản” là nhất quyết không “đụng” đến hàng ngoại, nhất là hàng TQ. - Chẳng phải “tư tưởng” bài ngoại gì đâu mà chủ yếu là hàng Việt Nam ngày càng phong phú về chủng loại, nhiều mẫu mã, chất lượng… dùng được và điều “rất” quan trọng đó là giá cả cũng “mềm” hơn. Chú em này cho biết thêm: - Thử tính cùng một mặt hàng thì hàng Việt Nam của ta có khi giá thấp từ 1/3 đến một nửa dù rằng thời gian sử dụng có khi ngắn hơn một chút nhưng cũng chấp nhận được để còn có cơ hội mua… hàng mới!
Nói vậy nhưng cũng còn nhiều băn khoăn, nhất là về phía người bán hàng. Có một số cửa hàng “thương hiệu” hẳn hoi nhưng lại dùng chiêu “lập cờ đánh lận con đen” bằng cách dán nhãn xuất xứ hàng hóa nước ngoài chồng lên nhãn có xuất xứ hàng TQ, kể cả nhãn hàng xuất xứ tại Việt Nam nhưng nếu tinh ý lột ra thì ôi thôi đó là hàng của “anh ba” TQ. Mặt khác, tại các chợ hàng TQ chất lượng thấp được bày bán tràn lan để đánh lừa người tiêu dùng thiếu am hiểu, thiếu thông tin… và cũng có trường hợp… ham rẻ. Để chấn chỉnh tình trạng này yêu cầu đặt ra là người bán hàng nói chung cần trung thực và phải là người đi đầu trong thực hiện Cuộc vận động ưu tiêu dùng hàng Việt. Các cơ sở sản xuất trong nước, trong tỉnh cần chú trọng đến chất lượng, mẫu mã, giá cả hợp lý và quan trọng là không dùng chiêu “đầu Ngô mình Sở” (vỏ là hàng Việt nhưng ruột lại là của TQ kém phẩm chất). Quan trọng nhất vẫn là “chủ thể” tiêu dùng: Hãy làm người tiêu dùng thông thái.
Tuấn Dũng