Có thể hình dung được khối lượng công việc phải làm qua những con số theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải: Dự án trải dài 1.500km, đi qua 22 tỉnh thành, với 84.000 hộ dân bị ảnh hưởng, hàng nghìn km công trình điện, nước, cáp quang, viễn thông… phải di dời.
Công tác giải phóng mặt bằng cho dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1
đã hoàn thành trong khoảng thời gian ngắn kỷ lục.
Trong khi đó, giải phóng mặt bằng chậm chạp, thậm chí ách tắc, từ lâu được coi là căn bệnh kinh niên của nhiều dự án giao thông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ các dự án, gây đội giá, đội vốn, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân…
Thế nhưng, toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng cho dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1 đã hoàn thành chỉ trong hơn một năm – khoảng thời gian ngắn kỷ lục, tạo cơ sở để toàn bộ dự án này hoàn thành vào cuối năm 2015, dự kiến vượt kế hoạch đến 12 tháng.
Phát biểu của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng tại hội nghị tổng kết công tác giải phóng mặt bằng dự án ngày 15/9 có thể coi như một đúc kết về nguyên nhân làm nên “thắng lợi” trên: “Từ áp lực tạo thành động lực cho các bộ, ngành, địa phương hoàn thành công việc được giao”.
Không khó để nhận thấy, áp lực đó đến từ sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Chính phủ, mà trực tiếp là Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia. Kể từ khi dự án được triển khai, Phó Thủ tướng đã liên tục có các cuộc làm việc với các bộ ngành, các địa phương suốt một dải từ Bắc vào Nam để đôn đốc, kiểm tra.
Chỉ tính từ đầu năm 2014 đến nay, Văn phòng Chính phủ đã liên tục phát đi ít nhất 9 văn bản thông báo ý kiến của lãnh đạo Chính phủ về công tác này. Trong đó, biểu dương kịp thời các địa phương đạt kết quả tốt, nghiêm khắc phê bình, nhắc nhở từng địa phương còn chưa vào cuộc quyết liệt…
“Người đứng đầu tỉnh, cụ thể là Bí thư, Chủ tịch UBND phải trực tiếp đối thoại với dân để biết được dân muốn gì, cần gì”, “lãnh đạo các tỉnh chậm trễ trong giải phóng mặt bằng sẽ phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, nhân dân cả nước”, đó là những chỉ đạo đã trở thành quen thuộc của Phó Thủ tướng và thường xuyên xuất hiện trên báo chí sau các cuộc họp, cuộc kiểm tra tại hiện trường.
Mới nhất, ngay trong ngày hôm nay (18/9), tại công văn số 7248/VPCP-KTN, Phó Thủ tướng tiếp tục nhắc nhở tỉnh Bình Định và các cơ quan có liên quan hoàn thành nốt phần việc phải làm, với tinh thần không được phép sao nhãng dù công việc đã cơ bản hoàn thành.
Kết quả, hàng nghìn hộ dân trên khắp 22 tỉnh thành đã dời bỏ nhà cửa, đất đai mà mình đã sinh sống nhiều năm để dành đất cho dự án và rất ít trong số đó phải cưỡng chế hành chính. Đúng như kết luận được rút ra từ hội nghị tổng kết ngày 15/9, đây là những bài học kinh nghiệm có ý nghĩa to lớn trong thực tiễn điều hành của các địa phương và Bộ, ngành Trung ương.
Chúng ta hay nói đến sự đồng thuận của người dân, của cộng đồng doanh nghiệp, nhưng ngay cả với một chủ trương đúng đắn, sự đồng thuận đó chỉ có thể đạt được nếu các cấp, các ngành vào cuộc với quyết tâm cao nhất và thực sự lắng nghe ý kiến của người dân. Nếu chúng ta thực sự muốn làm và làm quyết liệt, thì việc nào cũng có thể làm được, không có khó khăn nào là không thể giải quyết.
Trước đây, có những lúc tưởng chừng như căn bệnh kinh niên mang tên chậm giải phóng mặt bằng đã trở thành chuyện bình thường và chúng ta phải chấp nhận nó như đương nhiên phải thế. Nhưng rõ ràng tình trạng đó là hết sức bất bình thường và đã đến lúc không thể chấp nhận tình trạnh các dự án đầu tư công được triển khai với tiến độ ỳ ạch chỉ vì giải phóng mặt bằng chậm chạp.
Nhìn rộng ra, đã đến lúc chúng ta không thể chấp nhận cách nghĩ cũ, cách làm cũ, khi những điều “bất bình thường” lại trở thành “chuyện thường ngày ở huyện” chỉ vì đã tồn tại quá lâu, quá phổ biến.
Vì thế, không phải không có lý khi có tờ báo so sánh công tác giải phóng mặt bằng cho “đại dự án” Quốc lộ 1A với chương trình cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, một “đại chương trình” đang được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt nhằm tạo động lực phát triển mới cho đất nước, với các giải pháp phủ rất rộng trên rất nhiều lĩnh vực, động chạm đến tất cả các bộ ngành, các địa phương.
Nhiều ý kiến đều nhận xét rằng mục tiêu của chương trình trên là rất lớn, mà mục tiêu càng lớn, khó khăn càng nhiều. Nhưng nói như người xưa, “đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Không khó để nhận ra sự tương đồng giữa tinh thần “giải phóng mặt bằng” trong dự án Quốc lộ 1 với tinh thần “giải phóng tư duy” trong chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Khi chúng ta không còn ngại núi e sông nữa thì mọi rào cản sẽ được san bằng và “con đường phát triển” để đất nước tăng tốc sẽ được xây dựng xong trong một tương lai có thể nhìn thấy trước.
Nguồn www.chinhphu.vn