Cần chú trọng công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển

(NTO) Tắm biển là sở thích, thói quen của không ít người dân “miền đất nắng”. Chỉ riêng 5 km bờ biển đi qua khu vực Tp. Phan Rang- Tháp Chàm đã có 2 bãi biển đẹp là Ninh Chử và Bình Sơn, thu hút rất nhiều lượt người tới đây mỗi ngày. Để hạn chế các vụ đuối nước có thể xảy ra thì công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển luôn cần được quan tâm, chú trọng.

Để đảm bảo an toàn cho nhân dân và du khách khi tắm biển, năm 2008, Đội cứu hộ cứu nạn khu vực biển Ninh Chử – Bình Sơn được thành lập. Từ tháng 7- 2011, Đội này được đổi tên thành Tổ quản lý trật tự đô thị biển, trực thuộc Đội Quản lý trật tự đô thị, do UBND Tp.Phan Rang – Tháp Chàm quản lý. Tổ có nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn kịp thời các trường hợp đuối nước, bị sứa lửa tấn công, giữ gìn VSMT bãi biển, phối hợp các đơn vị khác giải quyết tình trạng thả lưới giũ, nuôi tôm hùm lồng bè… Công việc tương đối nhiều nhưng nhân lực hiện tại của Tổ chỉ còn 6 thành viên. Thêm vào đó là phương tiện, công cụ phục vụ cho công tác cứu hộ, cứu nạn còn thiếu nên gây khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Hiện tại, Tổ có duy nhất 1chiếc ca nô công suất 115 CV, không đảm bảo tính cơ động trong những trường hợp nguy cấp.

 
Phương tiện cứu hộ, cứu nạn ở biển Bình Sơn thiếu tính cơ động trong trường hợp nguy cấp.

Anh Nguyễn Tấn Vọng, Tổ trưởng Tổ quản lý trật tự đô thị biển Tp. Phan Rang- Tháp Chàm cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã cứu hộ thành công trên 50 trường hợp đuối nước. Tuy nhiên, đơn vị vẫn còn rất khó khăn vì phương tiện thiếu tính cơ động, nhân lực thì quá ít, không đảm bảo cho công tác trên 5 km bờ biển có nhiều bãi tắm và lượng người đông như hiện tại. Đơn cử như gần đây nhất là trường hợp đuối nước của anh Phan Thanh Tuấn (19 tuổi, ngụ khu phố 8, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước) tại bãi biển Bình Sơn- Ninh Chử. Anh Tuấn đã bị tử vong do vừa không biết bơi, tắm ở bãi ít người (cách xa khu bãi tắm công cộng chính 200 m), vừa tắm biển khi trời đã tối. Kể cả khi phát hiện anh Tuấn bị đuối nước thì lực lượng cứu hộ, cứu nạn cũng không thể tìm thấy nạn nhân do trời quá tối. Mong muốn của tổ là làm sao được trang bị thêm ít nhất 1 chiếc mô tô nước, như các đội cứu hộ cứu nạn của các tỉnh khác, để làm tốt hơn nhiệm vụ của mình. Trao đổi với chúng tôi, ông Tô Công Trung, Đội trưởng Đội quản lý trật tự đô thị cho biết: Theo dự kiến, khi Công viên biển Bình Sơn hoàn thành, bàn giao cho UBND Tp. Phan Rang – Tháp Chàm quản lý, đơn vị sẽ đề xuất tuyển thêm 12 người bổ sung cho Tổ quản lý trật tự đô thị biển để đảm bảo công tác cứu hộ, cứu nạn, giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường khu vực biển Bình Sơn – Ninh Chử.

Phải khẳng định rằng, đảm bảo an toàn cho người dân và du khách tới tắm biển là nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với hoạt động du lịch. Giải pháp trước mắt để đảm bảo cho công tác cứu hộ, cứu nạn là cần bổ sung thêm nhân lực được đào tạo tốt về kỹ năng, nghiệp vụ; trang bị thêm các phương tiện cứu hộ, cứu nạn hiện đại, cơ động như: ca nô, mô tô nước... Về lâu dài, các cấp, các ngành cũng cần chú ý tới vấn đề xã hội hóa hoạt động cứu hộ, cứu nạn trên biển, kêu gọi sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp du lịch, thậm chí là các cá nhân, các mạnh thường quân... để có nhiều hơn nữa những Đội cứu hộ, cứu nạn trên biển, góp phần mang tới sự an tâm cho người tắm biển, xây dựng môi trường du lịch biển an toàn, thân thiện.