Theo kết quả xét nghiệm, giải trình tự gen các mẫu virus cúm A/H5N6 đã phát hiện tại các tỉnh nói trên cho thấy, các mẫu này có tỷ lệ tương đồng trên 99% với chủng virus cúm A/H5N6 gây tử vong trên người tại Tứ Xuyên-Trung Quốc cách đây không lâu. Đặc biệt, qua công tác xác minh ổ dịch cúm A/H5N6 cho thấy, dịch xảy ra có liên quan đến việc vận chuyển, buôn bán gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch. Điều cũng đáng nói là chủng cúm nói trên lây nhiểm đa phần trên đàn vịt, nhất là tại các tỉnh mới xảy ra gần đây.
Cán bộ Trạm Thú y huyện Ninh Sơn tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia cầm ở xã Lương Sơn.
Ảnh: Nguyễn Sơn
Đối với tỉnh ta, vụ hè-thu đã và đang thu hoạch tại các địa phương. Đây cũng là thời điểm đàn vịt chạy đồng gần 700 ngàn con của người nuôi trong tỉnh và nhiều đàn vịt ngoài tỉnh “ăn đồng” ở tỉnh ta, trong số này cũng khó loại trừ đàn vịt từ Quãng Ngãi-nơi đã xảy ra ổ dịch cúm gia cầm H5N6- nếu như thiếu kiểm soát và thực hiện việc kiểm dịch chặt chẽ, quyết liệt của cơ quan thú y. Vì vậy, để ngăn ngừa dịch cúm gia cầm H5N6 và các chủng virus cúm gia cầm khác, gây ảnh hưởng tới sức khỏe và thiệt hại kinh tế của cộng đồng, mới đây Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã gửi Công điện khẩn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố…tập trung triển khai, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gia cầm các cấp, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên; thành lập các đoàn kiểm tra việc phòng, chống dịch bệnh đến tận thôn, ấp, bản, tập trung vào các địa bàn có nguy cơ cao. Khi phát hiện dịch xảy ra phải lấy mẫu để xét nghiệm, tiêu hủy ngay đàn gia cầm bị bệnh, vệ sinh tiêu độc khử trùng khu vực có dịch, đồng thời lập chốt kiểm dịch để ngăn chặn việc vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm ra ngoài ổ dịch. Đặc biệt, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhập lậu; đồng thời tổ chức tuyên truyền, vận động để người dân biết tác hại của cúm gia cầm, không ăn tiết canh, khi phát hiện gia cầm chết phải báo ngay cho chính quyền, thú y cơ sở. Nghiêm cấm việc giấu dịch, bán chạy gia cầm mắc bệnh làm lây lan dịch…
Dân gian có câu: “Đừng để nước đến chân mới nhảy”, thiết nghĩ ngành chức năng, lãnh đạo các địa phương cần nhanh chóng có biện pháp chỉ đạo, quản lý chặt chẽ đàn gia cầm, kiểm soát tình trạng mua bán, giết mổ gia cầm tại các điểm, chợ…Mặt khác, người chăn nuôi cũng cần gắn kết chặt chẽ với cơ quan chức năng, chuyên môn để phòng ngừa, xử lý nếu phát hiện gia cầm bị bệnh, đừng vì “tiếc của” mà đưa ra tiêu thụ dẫn đến hậu quả khó lường cho cộng đồng…
Tuấn Dũng