Trò chuyện với Hà Lê Minh Hùng, chúng tôi được biết anh gốc gác ở phường Văn Hải, Tp. Phan Rang- Tháp Chàm. Từ năm 2008, anh Hùng lặn lội vô xã Hồng Sơn (huyện Hàm Thuận Bắc) ở nhà người bà con hùn vốn trồng thanh long. Sau gần 4 năm bám vườn, anh chịu khó học hỏi nắm vững kỹ thuật trồng và chăm sóc loài cây đặc sản nổi tiếng của tỉnh Bình Thuận. Năm 2012, trở về quê nhà, anh lên xã Nhị Hà sang nhượng vườn thanh long của một nông dân trồng nhưng thiếu khả năng đầu tư nên hiệu quả kinh tế kém. Anh Hùng lắp đặt hệ thống tưới phun tiết kiệm nước và chăm sóc chu đáo cây thanh long theo quy trình sinh học an toàn. Ngay trong năm 2013 vừa qua, 1,5 ha vườn thanh long “hồi sinh” vừa được mùa vừa trúng giá, anh Hùng có thu nhập trên 200 triệu đồng. Trái thanh long ruột trắng “made in Nhị Hà” được các thương lái ở xã Hồng Sơn đánh xe ra tận đồng đất liền kề hồ chứa nước CK7 thu mua đưa về Bình Thuận xuất khẩu với giá trung bình 18- 20 ngàn đồng/kg. Từ đầu năm 2014 tới nay, do biến động của thị trường xuất khẩu nhưng thanh long từ vườn nhà anh Hùng vẫn bán cho thương lái ở Phan Rang lên thu mua với giá 12- 15 ngàn đồng/kg. Anh Hùng tận tình hướng dẫn kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm trồng thanh long cho bà con thôn xóm.
Anh Hà Lê Minh Hùng làm giàu từ cây thanh long ruột trắng trên đồng đất xã Nhị Hà.
Theo anh Hùng cho biết đặc điểm khí hậu của xã Nhị Hà nắng ấm quanh năm nên cây thanh long sinh trưởng tốt, cành khỏe mạnh, trái chín màu đỏ thắm, ruột ngọt thanh được thị trường ưa chuộng. Hiện nay, tại vùng hồ CK7 có 5 hộ trồng 8.000 trụ thanh long ruột trắng tương đương với diện tích khoảng 8 ha đất chủ động tưới từ hệ thống thủy lợi Cà Tiêu. Do khu vực trồng thanh long chưa có điện lưới nên một số bà con nông dân sử dụng máy nổ kéo mô tơ phát điện chong đèn cây thanh long ra bông trái vụ. Hiện nay, Hà Lê Minh Hùng tiếp tục đầu tư trồng mới 3.000 trụ thanh long ruột trắng tại thôn Nhị Hà 3 chủ động tưới từ hồ Sông Biêu. Sau 18 tháng trồng, chăm sóc chu đáo, cây thanh long bắt đầu cho trái chiến. Vốn đầu tư 1 trụ thanh long khoảng 300 ngàn đồng, từ công đoạn đúc trụ, giâm cành, bón phân, lắp đặt hệ thống tưới phun đến khi thu hoạch lứa trái đầu tiên.
Nhìn thấy Hà Lê Minh Hùng rước thợ từ huyện Hàm Thuận Bắc ra xã Nhị Hà đúc trụ thanh long, nhiều người lo ngại cho rằng anh đem tiền đổ xuống đất. Bà con coi ti vi thấy thanh long ở Bình Thuận đổ bỏ ngổn ngang theo bờ ruộng. Anh Hùng cho rằng thanh long ở Bình Thuận đổ bỏ do nhiễm nấm trắng nên thương lái không mua. Đây là loại nấm chưa có thuốc trị đang gây thiệt hại cho các nhà vườn ở tỉnh Bình Thuận. Thanh long đẹp đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vẫn được thương lái thu mua với giá 13 ngàn đồng/kg. Trồng thanh long nhẹ công chăm sóc, tiết kiệm nước tưới, phù hợp với điều kiện canh tác của nông dân xã Nhị Hà. Trung bình 1 ha cây thanh long ruột trắng có nguồn điện chong đèn cho ra bông trái vụ sẽ đem lại thu nhập 400- 500 triệu đồng/năm.
Sơn Ngọc