Thuận Bắc: Triển khai kịp thời các biện pháp chống hạn

Nỗ lực chống hạn

Từ đầu năm đến nay, do thời tiết nắng nóng kéo dài, nên tình trạng khô hạn cục bộ trên địa bàn huyện Thuận Bắc vẫn tiếp tục xảy ra, gây nhiều khó khăn cho cuộc sống người dân.

Ơ thôn Xóm Bằng (xã Bắc Sơn), do nắng hạn kéo dài nên nhiều tháng nay hơn 540 hộ dân/2.890 nhân khẩu ở đây không chỉ chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt, mà còn đối mặt với tình trạng đói giáp hạt, do toàn bộ 354 ha diện tích đất sản xuất (không chủ động nước) của bà con đều phải bỏ hoang. Đồng chí Phạm Hữu Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn cho biết: Để giúp bà con có nước sinh hoạt, ngoài việc vận động các hộ dân có giếng chia sẻ nguồn nước, xã còn trích nguồn kinh phí dự phòng trên 14 triệu đồng để nạo vét, sửa chữa 3 giếng nước công cộng. Bên cạnh đó, huyện cũng đã kịp thời chi hơn 260 triệu đồng để hỗ trợ 1 tháng gạo ăn cho 367 hộ/1.957 khẩu là hộ nghèo và cận nghèo, với mức bình quân mỗi khẩu 15 kg, nên trước mắt đời sống bà con tạm thời ổn định.

 
Do nắng hạn kéo dài, Ông Chameléa Tá, thôn Bà Râu 1, xã Lợi Hải
phải tận dụng các phế phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho đàn bò của mình.

Không chỉ có thôn Xóm Bằng, tại một số điểm dân cư của các xã Phước Kháng, Lợi Hải tình trạng thiếu nước sinh hoạt cũng diễn ra liên tục nhiều tháng nay. Trước thực trạng trên, cuối tháng 7 vừa qua, huyện Thuận Bắc trích thêm ngân sách gần 45 triệu đồng để hỗ trợ xã Phước Kháng triển khai đào 24 cái giếng cung cấp nước cho dân. Cùng với đó, huyện chỉ đạo các địa phương tiến hành nạo vét các lòng suối để lấy nước bổ sung vào các đập dâng nhằm đảm bảo nguồn nước uống cho khoảng 4.600 con gia súc trong vùng. Nhờ đó, có thể nói đến thời điểm này người dân huyện Thuận Bắc tạm thời có đủ nước để sinh hoạt.

Đồng chí Nguyễn Đức Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Do không chủ động được nguồn nước tưới, nên trong vụ hè-thu vừa qua huyện đã chỉ đạo cho trên 3.000 hộ dân phải ngừng sản xuất, với gần 1.900 ha; trong đó, có gần 1.200 ha lúa và gần 700 ha bắp. Tuy nhiên, tại các xã Phước Kháng, Phước Chiến, do bà con dân tộc Raglai quen với tập quán trồng thả, đã tự xuống giống gieo trồng ngoài kế hoạch với diện tích cả trăm ha. Do vậy, khi thời tiết tiếp tục khô hạn, nhiều nương rẫy, cây bắp chưa tăng trưởng được bao nhiêu đã trổ cờ và héo úa, làm năng suất và chất lượng thu hoạch giảm sút đáng kể. Chỉ tính riêng ở xã Phước Chiến, số diện tích bị thiệt hại đã lên đến 150ha. Đây là bài học để huyện rút kinh nghiệm chỉ đạo các địa phương thực hiện chặt chẽ hơn trong sản xuất các vụ tới.

Băn khoăn vụ sản xuất mới

Năm nay, tình trạng khô hạn quá khắc nghiệt nên huyện Thuận Bắc bước vào vụ sản xuất mới với nhiều nỗi băn khoăn, bởi theo kế hoạch, trong vụ mùa 2014 (đợt I), toàn huyện sẽ bố trí gieo trồng khoảng 2.000 ha cây trồng các loại. Trong đó, cây lúa 690 ha, cây bắp 590 ha và rau, đậu, cỏ chăn nuôi các loại khoảng 730 ha, nhưng hiện nay lượng nước tại các hồ chứa trên địa bàn đều đã xuống rất thấp. Tính đến đầu tháng 9, lượng nước ở hồ Sông Trâu chỉ còn khoảng 1,8 triệu m3 không đủ để bố trí sản xuất hết diện tích, nên địa phương chỉ đạo các xã chuyển sang sản xuất các loại cây trồng như: bắp nếp địa phương, đậu các loại tại một số vùng có độ ẩm cao. Đối với hồ Bà Râu còn 0,87 triệu m3, huyện chỉ bố trí sản xuất 60 ha thuộc khu vực đồng Nhíp của xã Lợi Hải. Riêng 2 xã Bắc Phong và Bắc Sơn hưởng lợi từ hệ thống tưới kênh Bắc và Trạm bơm Mỹ Nhơn, địa phương chỉ đạo chỉ gieo trồng khoảng 686 ha, nhằm đảm bảo nguồn nước tưới.

Đồng chí Võ Chi, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Dù trong những ngày qua, trên địa bàn huyện đã bắt đầu xuất hiện một số cơn mưa, nhưng địa phương vẫn hết sức lo lắng, bởi không biết mưa có liên tục để đủ nước tưới trọn vụ sản xuất không?. Một vấn đề lo lắng nữa đó là tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và hộ không sản xuất trong vụ hè - thu khá cao, nhưng địa phương vẫn chưa tìm ra được nguồn để hỗ trợ lương thực giáp hạt cho bà con. Trước tình hình trên, địa phương đang kiến nghị tỉnh tiếp tục hỗ trợ thêm 2 tháng gạo nữa cho nhân dân 2 xã Phước Kháng và Bắc Sơn; đồng thời rà soát danh sách hộ nghèo, cận nghèo và số hộ nằm trong diện ngưng sản xuất trong vụ hè – thu để kiến nghị hỗ trợ khoảng 33,2 tấn lúa giống và 6 tấn bắp giống giúp bà con ổn định sản xuất.

Rút kinh nghiệm từ những năm trước, trong vụ mùa năm nay chủ trương của huyện là nếu từ nay đến cuối tháng 9 mà trời vẫn không có mưa thì sẽ không điều chỉnh mở rộng thêm diện tích sản xuất; đồng thời chỉ đạo các địa phương hướng dẫn bà con triển khai gieo trồng hợp lý, đúng theo kế hoạch, chậm nhất đến ngày 15-10 phải dứt điểm mùa vụ. Khi xuống giống phải xuống đồng loạt, đặc biệt trên một khu vực, xứ đồng không được có nhiều trà lúa có tuổi khác nhau, nhằm hạn chế sự lây lan và phát triển dịch bệnh.