Trong bài viết đăng trên tạp chí eLife ngày 8-9, các chuyên gia về phòng chống dịch bệnh cho biết dù nguy cơ hiện tại về việc lây nhiễm virus Ebola từ động vật sang người còn thấp - chỉ có khoảng 30 ca nhiễm được ghi nhận trong lịch sử căn bệnh này, song do khu vực địa lý rất rộng lớn nên nguy cơ bùng nổ dịch bệnh ở người rất đáng lo ngại. Nghiêm trọng hơn, một số trường hợp hiếm gặp có thể dính virus do tiếp xúc hay ăn các động vật bị bệnh như dơi, tinh tinh hay khỉ đột, sau đó lây bệnh cho những người khác. Các chuyên gia khuyến cáo nên tiến hành giám sát chặt chẽ, bao gồm kiểm tra dơi ở các quốc gia có nguy cơ cao.
Theo khuyến cáo của các nhà khoa học, các quốc gia chưa từng xuất hiện ca nhiễm bệnh trực tiếp từ động vật sang người nhưng có nguy cơ cao là Angola, Burundi, Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Ethiopi, Ghana, Liberia, Madagascar, Malawi, Mozambique, Nigeria, Rwanda, Sierra Leone, Tanzania và Togo. Trong khi đó, Congo, Cộng hòa Congo, Gabon, Guinea, Ivory Coast, Nam Sudan và Uganda lại là những nước đã từng ghi nhận trường hợp lây nhiễm này. Ngoài ra, so với thời điểm phát hiện trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên năm 1976, dân số tại các quốc gia có nguy cơ cao hiện ngày càng tăng, di chuyển nhiều hơn và ngày càng kết nối tốt hơn với thế giới. Như vậy, khả năng lây nhiễm giữa các cộng đồng người với nhau cũng lớn hơn đặc biệt ở các khu vực có cơ sở hạ tầng y tế lạc hậu.
Là đợt bùng phát dịch bệnh lớn nhất trong vòng 40 năm qua, nạn dịch Ebola cho tới nay đã cướp đi 2.097 sinh mạng trong tổng số 3.944 trường hợp nhiễm bệnh, chủ yếu ở Guinea, Liberia và Sierra Leone. Tuy nhiên, các nhà khoa học Mỹ vừa thông báo vắcxin có khả năng phòng bệnh lâu dài đối với Ebola đã có hiệu quả trên khỉ và sẽ bắt đầu thử nghiệm trên người trong tháng 9 này. Dự kiến, các kết quả thử nghiệm sẽ được công bố vào cuối năm nay.
Theo TTXVN