* Sự kiện
- Tháng 9-1949: Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và ghi lưu bút trên trang đầu cuốn Sổ vàng của Trường Nguyễn Ái Quốc: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích, thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.
- Tháng 9-1967: Bác gửi điện tới Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua và dũng sĩ các Lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam biểu dương: “Năm 1965, Đại hội anh hùng miền Nam lần thứ nhất là Đại hội chiến thắng “chiến tranh đặc biệt” của giặc Mỹ. Đại hội anh hùng lần này là Đại hội của những người sẽ đánh thắng “chiến tranh cục bộ” của chúng... Trong thư có đoạn viết: “Là tinh hoa của dân tộc, các anh hùng, chiến sĩ thi đua và dũng sĩ các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam đã nêu cao tinh thần trung với nước, hiếu với dân, dũng cảm, mưu trí, khiêm tốn, giản dị, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, khó khăn không ngại, gian khổ không sờn... Miền Nam nước ta có những anh hùng, chiến sĩ và dũng sĩ xuất sắc là vì có đường lối, chính sách đúng đắn của Mặt trận, có những tập thể anh hùng, có nhân dân miền Nam anh hùng, có dân tộc Việt Nam anh hùng”. Người cũng tin tưởng rằng, với tinh thần anh dũng và kinh nghiệm phong phú của mình, các anh hùng, dũng sĩ sẽ tiếp tục giành được nhiều thắng lợi hơn nữa, đưa sự nghiệp giải phóng miền Nam đến thắng lợi hoàn toàn.
- Ngày 6 đến 8-9-2000: Chủ tịch nước Trần Đức Lương dự Hội nghị cấp cao Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.Hội nghị diễn ra trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 55, tổ chức tại Niu Oóc (Mỹ). Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước Trần Đức Lương khẳng định: “Việt Nam đã và sẽ là đối tác xây dựng và tin cậy, cùng phấn đấu vì những mục tiêu chung của nhân dân thế giới là hòa bình, công bằng và phát triển, hợp tác bình đẳng và cùng có lợi”. Chủ tịch nước đề nghị Liên hợp quốc lấy thập kỷ đầu tiên của thế kỷ thứ XXI là thập kỷ của những nỗ lực toàn cầu cao nhất nhằm xóa đói nghèo.
- Ngày 6-9-2009: Khởi công xây dựng Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học (bio-ethanol) Dung Quất.Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học bio-ethanol Dung Quất do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam xây dựng tại Khu kinh tế Dung Quất thuộc xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.Đây là nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học có quy mô đầu tư lớn của miền Trung hiện nay với công nghệ hiện đại. Nhà máy có tổng mức đầu tư khoảng 80 triệu USD, được xây dựng trên diện tích 24,62 ha công suất 100.000 m3 ethanol/năm, sử dụng nguyên liệu sắn lát để sản xuất ethanol. Vùng nguyên liệu sắn chủ yếu của nhà máy là là tỉnh Quảng Ngãi và các tỉnh lân cận trong khu vực.Ngày 3-2-2012, nhà máy đã cho ra dòng sản phẩm đầu tiên với chất lượng tốt.Ngày 19-5-2012, nhà máy chính thức được khánh thành.
* Nhân vật
- Ngày 6-9-1931: Ngày mất đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của ĐảngĐồng chí Trần Phú sinh ngày 1-5-1904, tại xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.Tháng 7-1930, đồng chí được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng, và sau đó, được cử vào Ban Thường vụ Trung ương. Đồng chí là người dự thảo bản Luận cương chính trị tháng 10 năm 1930 của Đảng, xác định con đường phát triển của cách mạng Việt Nam Tại Hội nghị Trung ương tháng 10 năm 1930, đồng chí được bầu là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.Ngày 19-4-1931, đồng chí Trần Phú bị địch bắt tại nhà số 66 đường Sămpanhơ (Champegne) Sài Gòn. Ngày 6-9-1931, đồng chí Trần Phú qua đời. Trước khi ra đi, đồng chí Trần Phú dặn các đồng chí của mình: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”.
- Ngày 6-9-1942: Ngày mất Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. Đồng chí Lê Hồng Phong, tên khai sinh là Lê Huy Doãn, sinh năm 1902, tại xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Đồng chí là người Việt Nam đầu tiên tham gia Hồng quân Liên Xô và là chiến sĩ không quân đầu tiên của Việt Nam. Tháng 3-1935, tại Đại hội I của Đảng ở Ma Cao (Trung Quốc), đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Tháng 7-1935, đồng chí là một trong những người tham gia Chủ tịch đoàn Đại hội Quốc tế Cộng sản khai mạc tại Mátxcơva. Đại hội đã nhất trí công nhận Đảng ta là Chi bộ chính thức của Quốc tế Cộng sản và bầu đồng chí Lê Hồng Phong là Ủy viên Ban Chấp hành của Quốc tế Cộng sản. Ngày 25-1-1940, đồng chí bị bắt lần thứ 2, bị giam ở Khám Lớn-Sài Gòn và bị kết án 5 năm tù đày ở Côn Đảo. Ngày 6-9-1942, đồng chí Lê Hồng Phong đã anh dũng hy sinh tại Côn Đảo.
Theo TTXVN