1. Các nước châu Âu và Mỹ ngày càng lo ngại về tình trạng công dân của mình trở thành chiến binh nước ngoài chiến đấu cho các tổ chức Hồi giáo cực đoan tại Iraq (I-rắc) và Syria (Xi-ri)-tự xưng là Nhà nước Hồi giáo (IS), khi thông tin về một người Mỹ chiến đấu cho IS tại Iraq bị chết lúc tham chiến ở Syria đã được Bộ ngoại giao Mỹ chính thức xác nhận.
Nhân viên y tế thuộc tổ chức Bác sỹ không biên giới chăm sóc cho các bệnh nhân nhiễm Ebola.
Tuy thành lập chưa lâu, nhưng IS đã khét tiếng với những vụ thảm sát kinh hoàng. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel (Chắc Hây-gơ) cho rằng, IS được tổ chức tinh vi hơn, điêu luyện hơn và có khả năng tài chính dồi dào, vì thế trở thành tổ chức khủng bố có nguy cơ lớn hơn cả Al-Qaeda (An Kê-đa). Hàng loạt các nước phương Tây rung chuông cảnh báo về mối đe dọa từ IS và kêu gọi một chiến lược toàn cầu để đối phó với nhóm này. Bà Jen Psaki (Giên Xa-ki), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Trường hợp của McCain-một trong 3 chiến binh nước ngoài của IS tự xưng tại Iraq bị giết trong một trận chiến ở Syria cho thấy mối lo ngại ngày càng gia tăng ở Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới về việc có hàng ngàn chiến binh nước ngoài từ 50 nước đang tham gia các tổ chức cực đoan và tham chiến tại Syria”. Trước đó, một công dân khác của Mỹ có tên Abu Salha đã xuất hiện trên một đoạn băng video có những lời lẽ đe dọa phương Tây, trước khi thực hiện một vụ đánh bom tự sát tại Syria. Tại Denver (Đên-vơ), cảnh sát Mỹ cũng đã bắt giữ một phụ nữ vào tháng 7 khi người này bị nghi ngờ đang tìm cách sang Syria để ủng hộ lực lượng chống đối. Hai người đàn ông ở Texas (Tếch-dát) cũng bị bắt giam với lý do tương tự vào tháng 6. Hiểm họa từ các chiến binh nước ngoài đối với Mỹ rõ ràng không phải là chuyện đơn giản.
Cuộc nội chiến ở Syria và bất ổn kéo dài ở Iraq đã “nuôi dưỡng” các tay súng “thánh chiến”. Điều này không bất ngờ, bởi lâu nay các nước phương Tây hậu thuẫn và cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy ở Syria, nhưng không thể ngăn số vũ khí đó rơi vào tay IS. Cơ quan tình báo Mỹ ước tính có khoảng 7.000 chiến binh nước ngoài đang tham chiến tại Syria. Tổng thống Mỹ đã đề nghị triệu tập cuộc họp của HĐBA LHQ vào tháng tới để thảo luận về mối đe dọa từ các chiến binh nước ngoài.
2. Dịch Ebola hoành hành tại khu vực Tây Phi từ tháng 3 tới nay đã làm hơn 1.427 chết. Hiện vẫn chưa có vác-xin hay thuốc điều trị loại virus này. Trong khi đó, Cộng hòa Congo (Công-gô) chính thức công bố dịch bùng phát tại tỉnh Equateur (E-qua-tơ) ở khu vực Tây-Bắc nước này sau khi xác nhận có 2 trong số 8 ca xét nghiệm dương tính với virus Ebola. Những tuần qua, một căn bệnh “bí ẩn” tại tỉnh này làm ít nhất 70 người chết, nhưng WHO nói rằng các ca tử vong không phải do nhiễm virus Ebola.
Một nguồn tin liên quan, hôm 25-8, Chánh Văn phòng Chính phủ Nhật Bản Yoshihide Suga (Y.Xư-ga) cho biết, Nhật Bản sẵn sàng cung cấp thuốc thử nghiệm và hợp tác với nhà sản xuất nhằm ngăn chặn dịch Ebola đang hoành hành tại Tây Phi nếu WHO yêu cầu. Chính phủ Australia (Ô-xtrây-li-a) cũng thông báo sẽ góp 1 triệu đô-la Australia cho WHO nhằm hỗ trợ kiểm soát dịch Ebola ở Tây Phi và ngăn dịch tiếp tục lan rộng. Chính phủ Philippines (Phi-líp-pin) lên kế hoạch sơ tán gần 3.500 lao động nước này đang làm việc tại 3 quốc gia có dịch Ebola là Guinea (Ghi-nê), Liberia (Li-bê-ri) và Sierra Leone (Xi-ê-ra Li-ôn), đồng thời đưa về nước toàn bộ binh sĩ được triển khai tại Liberia nhằm ngăn chặn dịch Ebola lây lan.
3. Chiến sự ở khu vực miền Đông Ukraine trở nên căng thẳng sau cuộc gặp giữa lãnh đạo Nga và Ukraine. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenco ngày 28-8 đã triệu tập cuộc họp khẩn của Hội đồng Quốc phòng và An ninh quốc gia sau khi Kiev cáo buộc binh lính Nga chiếm giữ một thị trấn vùng biển ở miền Đông nước này. Tiếp đó, HĐBA LHQ lại tiếp tục một phiên họp khẩn về tình hình căng thẳng tại miền Đông của Ukraine. Phiên họp đã chứng kiến những bất đồng gay gắt giữa Nga và các nước phương Tây. Phó Tổng thư ký phụ trách về vấn đề chính trị Feltman đã lên tiếng bày tỏ những lo ngại khi cho biết, bạo lực đã liên tiếp xảy ra suốt 2 ngày qua tại khu vực dọc bờ biển phía Nam của Ukraine. Cùng với đó là sự tăng cường hoạt động của các nhóm vũ trang bất hợp pháp hoạt động trong khu vực Donetsk.
Trong khi đó, phía Ukraine kêu gọi HĐBA LHQ cần có biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn sự tiến quân của Nga. Mỹ và các đồng minh phương Tây cho rằng, Nga đã cố tình không lắng nghe, cố tình gây căng thẳng, đưa quân vào Ukraine để ủng hộ phe ly khai. Đáp lại sự chỉ trích này, Đại sứ quán của Nga tại LHQ đã khẳng định, căng thẳng leo thang hiện nay bắt nguồn từ hệ quả trực tiếp của chính sách thiếu thận trọng của Kiev trong cuộc chiến chống lại chính người dân của mình. Một diễn biến đáng chú ý, Nga đã đưa ra một dự thảo tuyên bố báo chí, trong đó kêu gọi ngừng bắn ở Ukraine, nhưng dự thảo này không được các thành viên khác thông qua.
PV