1.Thế giới đang đứng trước nguy cơ ngày càng lớn mạnh của lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Với sự tàn bạo và thiện chiến, IS đang trở thành tổ chức vũ trang cực đoan nhất thế giới. Khu vực Trung Đông và thế giới đang đứng trước những thách thức và nguy cơ mới về an ninh trước sự lớn mạnh của IS và trở nên đáng sợ hơn tổ chức khủng bố quốc tế Al-Qaeda-chúng chủ trương tuyển mộ những tân binh là công dân các nước phương Tây, để từ đó có thể tạo ra mối đe dọa trực tiếp ngay trên các nước Anh và Mỹ.
Hội đồng Nhân quyền LHQ đã họp phiên đặc biệt về tình hình nhân quyền ở Iraq trong bối cảnh những vi phạm do nhóm khủng bố IS và các nhóm vũ trang khác diễn ra nghiêm trọng. Hội đồng Nhân quyền LHQ đã ra Nghị quyết về tình hình nhân quyền ở Iraq với nội dung chính lên án hành vi khủng bố, bạo lực chống lại dân thường của IS và yêu cầu Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ cử một đoàn công tác tới Iraq để tìm hiểu thông tin tại thực địa và có báo cáo tại khóa 28 Hội đồng Nhân quyền LHQ, dự kiến vào tháng 3-2015.
Để ngăn chặn bước tiến quân của lực lượng IS, quân đội Mỹ đã tiếp tục mở thêm các cuộc không kích vào các mục tiêu của IS tại Iraq. Trong khi đó, đáp lại lời kêu gọi hỗ trợ của Mỹ, Australia (Ô-xtrây-li-a) đã quyết định gửi các thiết bị quân sự cùng vũ khí và đạn dược tới Iraq để hỗ trợ người Kurt trong chiến dịch chống lại lực lượng IS-đây là một phần trong nỗ lực đa quốc gia với sự tham gia của các nước Australia, Canada, Italy, Pháp, Anh và Mỹ giúp đỡ Iraq.
2.Tình hình căng thẳng tại miền Đông Ukraine (U-crai-na) tiếp tục thu hút sự chú ý của thế giới. Tân đại diện cấp cao Liên hiệp châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và an ninh Federica Mogherini (Phê-đơ-ri-ca Mô-ghê-ri-ni), ngày 5-9, EU sẽ “tung” ra các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Moskva (Mát-xcơ-va). Bà kêu gọi EU “giáng” đòn mạnh nhất vào quốc gia này, bởi theo bà, đó là cái giá phải trả cho hành động “xâm lược quân sự” tại Ukraine của chính quyền nga, bất chấp Moskva kịch liệt phản đối những cáo buộc vô căn cứ nêu trên. Trong khi đó, cũng từ đầu tháng 8, Nga cũng “dồn dập” lệnh cấm vận nhập khẩu các loại thực phẩm từ các nước phương Tây, đồng thời “phớt lờ” EU để tìm kiếm các thị trường mới ở châu Á, châu Phi.
Động thái mới nhất, ngày 3-9, Tổng thống nga V.Putin (V.Pu-tin) và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenco (P.Pô-rô-xên-cô) đã có cuộc điện đàm thiết lập một thỏa thuận lâu dài nhằm chấm dứt cảnh đổ máu ở Đông Nam Ukraine. Moskva tuyên bố luôn ủng hộ ngừng bắn ngay lập tức và bắt đầu giải pháp chính trị ở Ukraine có tính đến quyền lợi thiểu số cư dân nói tiếng Ng; đồng thời, Điện Kremlin (Crem-li) đã bác bỏ cáo buộc của Ukraine và phương Tây rằng Nga đưa quân vào Kiev (Ki-ép). Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ, LHQ, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) cũng thừa nhận không có bằng chứng độc lập rằng quân đội Nga thâm nhập vào lãnh thổ nước láng giềng Ukraine.
3. Liên quan đến các “điểm nóng” trên thế giới, Hội nghị Thượng đỉnh Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), với sự tham gia của lãnh đạo 28 nước thành viên đã diễn ra tại Anh hôm 4-9, với trọng tâm là phối hợp hành động trước những diễn biến mới này ở Ukraine và Trung Đông. Thủ tướng Anh David Cameron (Đa-vít Ca-me-rôn) cho biết: “Chúng ta gặp nhau vào một thời điểm đặc biệt trong trong lịch sử văn minh. Thế giới phải đối mặt với nhiều mối đe dọa và rõ ràng, là NATO có vai trò quan trọng đối với tương lai của chúng ta như đã từng như vậy trước đây”.
NATO sẽ tiến hành một cuộc tập trận chung trên lãnh thổ Ukraine vào cuối tháng này, với sự tham gia của quân đội 12 nước, trong đó có Mỹ. NATO cũng công bố dành 12 triệu Euro cải thiện năng lực quốc phòng, nhưng không cung cấp vũ khí cho nước này.
NATO cũng sẵn sàng hỗ trợ Iraq nếu Chính phủ nước này yêu cầu để đẩy lùi lực lượng Hồi giáo cực đoan đang lớn mạnh ở miền Bắc Iraq. Tổng thống Mỹ đã thuyết phục đồng minh về sự cần thiết phải tạo lập một liên minh chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng tàn bạo này.
PV