Tinh thần di chúc của Bác Hồ: Nhân dân là trên hết

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện sự phân biệt đối tượng rõ ràng giữa Đảng và Nhân dân: Người chỉ dặn lại việc phải làm cho Đảng, còn quyền được phục vụ và hưởng lợi ích là thuộc về Nhân Dân.

Tôi được nghe nội dung bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đọc qua một chiếc radio thu từ Đài Tiếng nói Việt Nam vào đúng ngày Đảng và Nhà nước ta tổ chức lễ viếng Người. Lúc đó, tôi mới trở thành sinh viên năm thứ nhất của Khoa Sử của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Khóa sinh viên năm 1969 ấy đã tập hợp và đứng nghiêm trang làm lễ ở ký túc xá Mễ Trì trong phần còn lại của khối nhà bốn tầng đã bị bom Mỹ phá sập đúng một nửa.

Trong không khí trang nghiêm và xúc động ấy, có sinh viên đã bị ngất đi sau khi nghe Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lời điếu của BCHTW. Thái độ của chúng tôi đối với Bác Hồ vào thời điểm đó chỉ mới là tình cảm của những đứa cháu trước người ông quý trọng của mình đã đi xa, chưa hiểu được chiều sâu trong những dặn dò của Người trong Di chúc.

Trang đầu bản di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ảnh tư liệu)

Năm 1972, sinh viên các trường đại học nhập ngũ quyết tâm lên đường thực hiện Di chúc của Người. Tôi cũng trong số sinh viên đó. Trong thời gian quân ngũ, chúng tôi cũng chưa có thời gian suy ngẫm về lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà chỉ cảm nhận tinh thần của Di chúc qua nhân dân. Đó là sự chịu đựng tột cùng của nhân dân dưới bom đạn của kẻ thù và tinh thần sẵn sàng hy sinh tất cả để thực hiện Di chúc của Người. Đó là tấm lòng nhân ái của đồng bào khi đùm bọc người lính chúng tôi, lúc đó được gọi trìu mến là “Anh bộ đội cụ Hồ”, trên mọi chặng đường khốc liệt của chiến tranh.

Mười năm sau, khi được trở về môi trường khoa học và là cán bộ nghiên cứu Hồ Chí Minh, bắt đầu từ cái nôi là Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, nhưng tôi cũng chưa thấu hiểu được tinh thần sâu sắc trong Di chúc mà Hồ Chí Minh đã để lại cho Đảng, cho nhân dân ta và bạn bè thế giới. Trong sách báo nói nhiều đến sự “mẫn tiệp” của Bác Hồ khi viết những dòng “trác tuyệt” trong Di chúc càng làm tôi thấy bối rối thêm.

Đến nay, 45 năm trôi qua, kể từ khi lần đầu tiên được nghe Di chúc, qua thực tiễn chiến tranh và xây dựng đất nước ở trước và trong thời kỳ đổi mới, qua nghiên cứu, dần dần tôi mới thấy được sự sâu sắc về tư tưởng trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng điều mà tôi tự cho là thấy được sâu sắc ấy lại không phải đến từ tôi mà được bắt đầu từ một câu hỏi có ý nghĩa gợi ý của một cán bộ trẻ trong lớp học của cán bộ nguồn ở quê hương Đồng khởi (tỉnh Bến Tre) trong tháng Tám năm nay. Câu hỏi ấy là: “Thưa thầy, Bác Hồ luôn nói phải kính trọng dân và Bác đã làm tất cả vì điều đó, từ tấm lòng và thực tiễn hoạt động của mình, nhưng tại sao trong Di chúc, Người lại nói điều trước hết là nói về Đảng mà không phải về Dân?”

Sau 45 năm được biết Di chúc, nhưng với tôi, câu hỏi ấy thực sự không đơn giản. Chính điều đó đã thôi thúc tôi suy ngẫm để hiểu đầy đủ Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là những vấn đề Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn ai là chính?

Theo quan niệm truyền thống, Di chúc là văn bản nói lên những việc phải làm, những lợi ích mà người chuẩn bị đi vào cõi vĩnh hằng xác định cho con cháu, cho đời sau. Là người sáng lập Đảng và đồng thời là lãnh đạo cao nhất của Đảng cho đến khi viết Di chúc trong những năm 60 thế kỷ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Di chúc trên tinh thần truyền thống ấy mà trọng tâm là những căn dặn của Người chủ yếu giành cho Đảng ta về những việc Đảng phải làm để thực hiện được mục tiêu vì lợi ích của Tổ quốc và Nhân Dân.

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện sự phân biệt đối tượng rõ ràng giữa Đảng và Nhân dân: Người chỉ dặn lại việc phải làm cho Đảng, còn quyền được phục vụ và hưởng lợi ích là thuộc về Nhân dân. Đó là sự kính trọng cao nhất đối với Nhân Dân trên vị trí người chủ và phải được Đảng do Người sáng lập và lãnh đạo phải phục vụ một cách rất thiết thực, cụ thể theo lời dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ rõ đến mọi tầng lớp nhân dân, với từng đối tượng cụ thể, mà Đảng phải phục vụ: Từ “những người có công như đối với những người hy sinh xương máu”, “cha mẹ thương binh, liệt sĩ”, “những người trẻ tuổi trong lực lượng vũ trang”, “thanh niên xung phong”, “phụ nữ” và đến cả những “nạn nhân của chế độ cũ”...

Bác Hồ với nông dân (Ảnh tư liệu)

Như thế, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh trước hết nói về Đảng, là lời căn dặn lại cho tổ chức do Người sáng lập và lãnh đạo được dùng với từ “phải”. Đó là giới hạn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định trong Di chúc. Trong đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng cụm từ “điều mong muốn cuối cùng” đối với Nhân dân. Người viết “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình thống nhất, dộc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Trong đoạn “cuối cùng” của Di chúc, khi Người “để lại muôn vàn tình thân yêu” thì được đặt trong thứ tự là: “cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thiếu niên và nhi đồng”.

Như thế, trước hết nói về Đảng, nhưng trên hết là Nhân dân. Đó là sự sâu sắc vô cùng trong tư duy triết học Hồ Chí Minh trong mối quan hệ giữa Người với Đảng, với Nhân dân chỉ riêng trong những sắp xếp ấy. Nhìn tổng thể tinh thần của Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là lời căn dặn: Đảng phải phục Nhân dân.

Tại sao Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm trước hết đến sự đoàn kết của Đảng? Chắc chắn rằng vấn đề đoàn kết của Đảng là sự quan tâm nhất của Người từ khi thành lập Đảng đến lúc viết và hoàn thành Di chúc. Sự quan tâm ấy bắt nguồn từ đòi hỏi nội tại và khách quan của Đảng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết ra trong nhiều tác phẩm ở các thời kỳ khác nhau rồi đúc kết lại trong Di chúc. Đó là vì, theo Người: đoàn kết là sức mạnh chiến đấu của Đảng và đoàn kết trong Đảng là hạt nhân của đoàn kết dân tộc; đoàn kết là vũ khí mạnh mẽ của Đảng trên con đường vô cùng cam go của sự nghiệp giải phóng và xây dựng xã hội mới.

Chiều sâu của tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện trong Di chúc chính là ở chỗ: Người đã chọn ra vấn đề cốt lõi trong hành loạt vấn đề cần giải quyết và đã chỉ ra phương pháp giải quyết tối ưu để đưa tới sự chuyển biến có tính cách mạng sâu sắc đối với hiện thực khách quan luôn vận động, biến đổi. Đó là phong cách tư duy và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà ngày nay chúng ta cần học tập.

45 năm đã qua kể từ lần đầu tiên tôi được nghe Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và suy nghĩ theo góc nhìn của độ lùi thời gian ấy. Tiếp cận chân lý là một quá trình. Theo thời gian mới hiểu rõ hơn tư tưởng trong Di chúc của Bác Hồ.

Nguồn vov.vn