(Ảnh: Chinhphu.vn)
Ngày 27/8, Ủy ban TW MTTQ Việt Nam và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết 10 năm thực hiện quy chế phối hợp công tác giữa hai bên và ký kết quy chế phối hợp sửa đổi.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban TWMTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình chủ trì Hội nghị.
Ngay sau khi quy chế phối hợp cấp Trung ương được ban hành, hai bên cũng đã tích cực phối hợp trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phối hợp triển khai các đề án “Xây dựng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư”, “Xây dựng làng an toàn, khu dân cư an toàn”, “Xây dựng xã, phường, thị trấn không tệ nạn ma túy”…đã có tác dụng thiết thực đưa pháp luật vào cuộc sống, tạo chuyển biến căn bản trong việc nâng cao hiểu biết về pháp luật, ý thức tôn trọng pháp luật và chấp hành pháp luật của nhân dân.
Trong công tác tuyển chọn kiểm sát viên, đại diện Ban Thường trực UB MTTQ là thành viên Hội đồng tuyển chọn đã chủ động phối hợp với Viện KSND để tuyển chọn người đủ tiêu chuẩn về mọi mặt theo quy định của pháp luật để đề nghị cấp có thẩm quyền bổ nhiệm làm kiểm sát viên. Trong 10 năm, Ủy ban TƯMTTQ và Viện KSND tối cao và các thành viên trong Hội đồng tuyển chọn kiểm sát viên đã xét, đề nghị bổ nhiệm lại 276 kiểm sát viên Viện KSND tối cao và 2 kiểm sát viên Viện kiểm sát quân sự Trung ương, cách chức 1 kiểm sát viên Viện KSND tối cao.
Đặc biệt trong 10 năm qua Ban Thường trực UB MTTQ Việt Nam và Viện KSND các cấp đã phối hợp kiểm sát trực tiếp 3.697 lượt tại các nhà tạm giữ, tạm giam. Cũng trong 10 năm qua Viện KSND tối cao đã tiếp nhận 158 đơn khiếu nai, tố cáo do Ủy ban MTTQ chuyển đến, Viện KSND tối cao đã kịp thời xem xét xử lý và thông báo kết quả giải quyết đến Ủy ban TWMTTQ Việt Nam theo đúng quy định.
Điểm mới trong lễ ký năm 2014 là Ban thường trực UBTW MTTQ Việt Nam và Viện KSND tối cao trong thời gian tới sẽ phối hợp sửa đổi gồm 16 điều trong Quy chế phối hợp. Một trong những điểm mới được bổ sung trong quy chế phối hợp giữa hai bên là việc phối hợp về phản biện xã hội; phối hợp giải quyết ý kiến, kiến nghị của nhân dân.
Về phản biện xã hội, khi chủ trì xây dựng những dự thảo luật, chương trình dự án, đề án liên quan đến quyền con người, quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân, quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam thì Viện KSND tối cao gửi dự thảo đến Ủy ban TWMTTQ Việt Nam để thực hiện phản biện. Cùng với đó khi tổ chức phản biện xã hội đối với các dự thảo chương trình, dự án, đề án liên quan đến tổ chức và hoạt động tư pháp, đến hoạt động tố tụng, đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân thì Ban Thường trực UB TWMTTQ Việt Nam mời đại diện Viện KSND tối cao tham dự.
Đối với việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của nhân dân, định kỳ 6 tháng một lần hoặc trong trường hợp cần thiết, Ban Thường trực UB TWMTTQ Việt Nam tập hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân về những vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Viện KSND gửi đến Viện KSND tối cao. Viện KSND tối cao có trách nhiệm xem xét, giải quyết và thông báo kết quả đến Ban thường trực UB TƯ MTTQ Việt Nam.
Theo Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hòa Bình qua việc ký kết quy chế phối hợp sẽ có cơ chế và hành lang pháp lý để hai bên thực hiện nhiệm vụ của mình góp phần vào việc xây dựng một nền tư pháp trong sạch vững mạnh, góp phần bảo vệ cuộc sống của người dân.
Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình cũng đề nghị cần có sự vào cuộc mạnh mẽ và trách nhiệm cao hơn của Viện kiểm sát và MTTQ từ TƯ đến cơ sở có cách làm cụ thể lựa chọn những vấn đề đang bức xúc và là điểm nóng như tình trạng chậm chạm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc giam giữ, thi hành án… để sự phối hợp có hiệu quả, ý nghĩa và đáp ứng mong mỏi của nhân dân.
Phát biểu tại Hội nghị Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những kết quả đạt được của hai bên trong việc thực hiện quy chế phối hợp trong 10 năm qua, đồng thời tin tưởng việc ký kết quy chế phối hợp sửa đổi sẽ giúp hai bên cùng thực hiện tốt nhiệm vụ của mình đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, sau hội nghị các địa phương có sự rà soát để việc phối hợp tổ chức thực hiện trong những tháng cuối năm phù hợp với quy chế mới cũng như triển khai ký kết chương trình công tác trong năm 2015.
Về các nhiệm vụ trong thời gian tới Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân lưu ý 2 bên cần rà soát và có cơ chế khen thưởng những tập thể cá nhân đóng góp tích cực trong giai đoạn 10 năm qua.
Hai bên cần tập trung giải quyết những vấn đề còn bức xúc như việc giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân liên quan đến thanh tra; trong tháng 10/2014, MTTQ Việt Nam các cấp cần tổ chức triển khai giám sát, kiểm tra ở các trại tạm giam, nhà tạm giữ ở Trung ương và địa phương; Viện KSND tối cao có góp ý và kiến nghị vào báo cáo định kỳ 6 tháng một lần của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Đối với yêu cầu đảm bảo trật tự trị an ở địa bàn dân cư, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị mỗi thôn, bản, khu dân cư có 1 mô hình nhân dân tự quản để bảo vệ an ninh trật tự rất hiệu quả.
Về nhiệm vụ giám sát, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho biết, hiện MTTQ Việt Nam đang triển khai 5 nhiệm vụ giám sát là giám sát chính sách người có công, giám sát việc đóng bảo hiểm xã hội tại các doanh nghiệp, chất lượng đầu vào vật tư nông nghiệp, việc thực hiện pháp luật của các bệnh viện, nhà thuốc tư nhân, giám sát việc thực hiện Luật KHCN và Nghị quyết 20 của TƯ về KHCN. Để góp phần xây dựng một nền tư pháp trong sạch vững mạnh, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân gợi mở, trong năm 2015, MTTQ VN sẽ bàn với Viện KSND tối cao có chương trình phối hợp tham gia giám sát hoạt động của Viện KSND.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cần tổ chức sơ kết định kỳ hàng năm để rút kinh nghiệm và phát huy tốt hơn công tác của mình.
Nguồn www.chinhphu.vn